ẨM THỰC TRONG NGHI LỄ NHẬP KUT CỦA NGƯỜI CHĂM
Văn hoá ẩm thực của người Chăm khá đa dạng và phong phú về nguyên liệu và cách chế biến các món ăn. Thông thường những món ăn hàng ngày của người Chăm là các món luộc, nướng, hấp và món canh. Vào những dịp lễ hội của cộng đồng và các nghi lễ của dòng tộc thì người Chăm chế biến các món ăn truyền thống để dâng cúng. Đặc biệt, là trong nghi lễ nhập Kut người Chăm càng chú trọng chế biến các món ăn truyền thống.

Trong nghi lễ nhập Kut các món ăn bắt buộc phải có là món bánh, món thịt luộc, món canh, món kho, rau sống, các đồ uống và đồ hút khác. Các món ăn sau khi đã được chế biến chín được bố trí và sắp đặt theo một nguyên tắc nhất định. Các món ăn dành để cúng cho thần linh trong nghi lễ nhập Kut được đặt trên mâm cao. Ngày nay, ẩm thực Chăm có sự giao thoa với ẩm thức các dân tộc khác. Cho nên, ngoài một số món ăn truyền thống người Chăm còn bổ sung một số món ăn và cách chế biến mới để làm giàu thêm giá trị của ẩm thực người Chăm.

1. Món bánh

1.1. Bánh tét đòn, bánh tét dẹp và bánh ít

Trong mâm bánh để cúng trong lễ nhập Kut bắt buộc phải có các loại bánh tét đòn, bánh tét dẹp (bánh tét cặp) và bánh ít. Các loại bánh này, được được chế biến từ gạo nếp, gói trong lá chuối và được luộc chín hoặc hấp.

Bánh tét đòn: Bánh của người Chăm được gói thành đòn lớn như bánh tét của người Kinh. Bên trong bánh tét người Chăm chỉ làm nhân bánh bằng đậu đen, hoặc đậu phộng. Người Chăm không có làm nhân bánh bằng thịt heo hay thịt mỡ động vật. Để làm ra bánh tét, người ta sử dụng gạo nếp ngâm trong nước cho mềm, sau đó trộn với đậu đen hoặc đậu phộng, gói lại bằng lá chuối buộc lại cho chặt. Bánh gói xong được mang đi luộc chín.

Bánh tét dẹp: Về cơ bản bánh tét đòn và bánh tét dẹp có nguyên liệu và cách thức làm giống nhau. Như tên của bánh, bánh tét dẹp có kỹ thuật gói khác, người ta gói bánh thành những miếng dẹp tách rời nhau. Sau đó, lấy hai miếng dẹp buộc lại với nhau thành từng cặp đôi. Đối với bánh tét dẹp, nhân bánh được làm từ đậu đen, đậu phộng và mè đen.

Bánh ít: Là một loại bánh được sử phổ biến trong các lễ hội lớn của người Chăm. Bánh ít được chế biến từ gạo nếp. Gạo nếp được ngâm trong nước cho mềm, đem đi xay thành bột. Bánh ít của người Chăm có nhân làm bằng dừa bào hoặc đậu xanh xay nhuyễn. Hỗn hợp đường và nhân được pha trộn đều với nhau, lấy bột gạo nếp vo lại thành từng chiếc bánh. Sau đó, dùng lá chuối gói lại không có buộc dây. Đối với loại bánh ít người Chăm không có luộc mà hấp bằng nồi chưng cất thuỷ.

1.2. Bánh Sakaya

Nguyên liệu để làm bánh Sakaya gồm có trứng gà, đậu phộng, đường và gừng. Đầu tiên, trứng gà được bóc vỏ, đánh trứng gà cho nở đều. Đậu phộng được rang chín và giã nát. Sau đó, trộn đều hỗn hợp trứng, đậu phộng, gừng lại với nhau. Cuối cùng, đổ hỗn hợp trứng vào chén đem đi chưng cất thuỷ để nấu chín. Bánh Sakaya là loại bánh quý, người Chăm chỉ làm vào dịp đám cưới và dịp dâng cúng quan trọng. Vì vậy, bánh Sakaya không được sử dụng để ăn vào ngày bình thường.

1.3. Bánh Ginraong Laya

Nguyên liệu để làm bánh Ginraong Laya là gạo nếp, đường, trứng gà và men rượu. Bánh có hình dạng giống như củ rừng hoặc hình san hô biển. Gạo nếp mang ngâm trong nước cho mềm rồi mang đi xay thành bột. Trứng gà thì bóc vỏ, đánh cho trứng nở. Sau đó, trộn đều bột nếp, trứng gà, đường, rượu, gừng lại với nhau thành một hỗn hợp. Rồi, người ta nặn hỗn hợp bột theo hình dạng củ gừng. Cuối cùng, gắp từng miếng đổ dầu chiên cho chín bột.

2. Món luộc

Trong nghi lễ nhập Kut của người Chăm chỉ sử dụng con gà và con dê để cúng tế. Thịt gà được luộc để nguyên con và bộ lòng. Còn thịt dê thì luộc nguyên con, chặt lấy phần đầu, tứ chi, đuôi và bộ lòng. Phần thịt thì chặt, xé thành từng miếng nhỏ để trong đĩa. Ở dưới đĩa thịt có lót lá chuối. Khi cúng xong, ông Basaih cầm nguyên con gà luộc trên tay cầu siêu cho linh hồn gà được siêu thoát, tương tự như vậy, đối với con dê để cầu siêu giải thoát linh hồn cho con vật sử dụng tế lễ.

3. Món kho

Món kho tuy không nằm trong danh sách ẩm thực phải có trong cúng lễ. Món kho chỉ được xem là món phụ bổ sung thêm cho đầy mâm cỗ. Thông thường, người Chăm chỉ sử dụng cá biển như cá nục và cá ngừ để kho. Món cá kho khi dâng cúng được đặt trong chén hoặc đĩa, ở bên dưới có lót lá chuối.

4. Món gỏi

Món gỏi của người Chăm sử dụng trong nghi lễ nhập Kut được chế biến rất đơn giản. Những trái chuối hột non được cắt mỏng trộn với nước giấm hoặc nước chanh vắt. Món gỏi được để trong đĩa nhỏ đặt trên mâm cỗ để dâng cúng.

5. Món canh

Từ nước luộc gà và nước luộc dê người Chăm chế biến ra thành 2 loại canh khác nhau để đặt vào mâm cỗ trong nghi lễ nhập Kut. Nước luộc gà thì dùng để nấu với lá mồng tơi, cà chua chế biến thành món canh gà. Nước luộc dê thì nấu với lá me non, gạo rang giã nhuyễn chế biến thành món canh dê. Đây là những món canh được ưa thích của người Chăm.

6. Cơm

Là cư dân nông nghiệp, cơm là thức ăn phổ biến trong mỗi bữa ăn hàng ngày của người Chăm. Trong ngày thường và cúng lễ không bao giờ thiếu món cơm. Tuy nhiên, trong mâm cỗ của lễ nhập Kut thì cơm được múc đầy chén, dùng tay vun cho thật đầy. Cứ một chén cơn vun đầy thì có hai chén canh ăn kèm với cơm.

7. Rau, mắm và muối

Trong bữa ăn thường ngày, người Chăm rất thích ăn rau sống. Khi làm mâm cỗ cúng lễ người Chăm sử dụng giá sống, dưa leo, trái thơm, dưa hấu cắt từng miếng nhỏ làm rau sống đặt trên đĩa làm mâm cỗ.

Nước mắm chỉ được xem là nước chấm phụ không nằm trong danh sách ẩm thực phải có trong nghi lễ nhập Kut của người Chăm. Ngược lại, muối là gia vị bắt buộc phải có. Trong mâm cỗ bắt buộc phải có muối hột. Muối được đặt trực tiếp trên mâm ở bên dưới có lót lá chuối.

 Ngoài những món ăn kể trên, trên mâm cỗ trong ngày nhập Kut còn có món mực nhồi thịt, món tôm rang me, vịt quay, heo quay, bún và bánh mì... Tuy nhiên, những món ăn này gia chủ làm bổ sung cho phong phú mâm cỗ chứ không nằm trong danh mục ẩm thực Chăm truyền thống.

8. Món tráng miệng

Mâm bánh cỗ sử dụng trong nghi lễ nhập Kut bao giờ cũng có một nải chuối và một trái dừa. Do đó, chuối được xem như món tráng miệng của người Chăm. Bên cạnh đó, gia chủ có đặt thêm bánh ngọt và trái cây khác.

Ngoài ra, trong nghi lễ nhập Kut, rượu gạo, trầu cau và thuốc rê là thứ không thể thiếu. Sự xuất hiện của bia lon, rượu tây trên mâm cỗ chỉ mới phát sinh trong thời đại ngày nay. Và, các thức uống này chỉ là thức uống bổ sung thêm chứ không thể thay thế cho rượu trắng được.

Ẩm thực ngoài giá trị về dinh dưỡng còn thể hiện bản sắc văn hoá của tộc người. Người Chăm có quá trình giao lưu văn hoá với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Vì thế, nguồn nguyên liệu sử dụng để chế biến các món ăn của người Chăm chủ yếu là các sản vật nông nghiệp./.

 

Bá Minh Truyền



Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 47
  • Trong tuần: 555
  • Tất cả: 62369

 TRANG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VĂN HÓA CHĂM

Địa chỉ : 28 Đường Tô Hiệu, Phường Tấn Tài, TP. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận. 
Điện thoại : 0259 3822723  - 02593504099       Email : ttncvhc@ninhthuan.gov.vn.
Ghi rõ nguồn ttncvhc.ninhthuan.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Website này.