Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận - 30 năm một chặng đường

Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm là đơn vị sự nghiệp công lập, có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, trực thuộc và chịu sự chỉ đạo, quản lý toàn diện, trực tiếp của Sở VHTTDL Trung tâm có chức năng nghiên cứu và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm trong nền văn hóa Việt Nam đa dạng và thống nhất.


Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận, trước đó có tên gọi là Trung tâm văn hóa Chàm, do Cha cố Mussey người Pháp thành lập năm 1969. Sau năm 1975 là Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật tỉnh Thuận Hải, đào tạo cho nhiều nghệ sỹ trong tỉnh và các tỉnh lân cận: Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận.

Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo văn hóa Chăm được thành lập sau khi tỉnh Ninh Thuận được tái lập (tại Quyết định 126/QĐ/UB ngày 19/01/1993 của UBND tỉnh). Cho đến năm 2008, đổi tên thành Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Chăm theo Quyết định số 6834/QĐ-UBND, ngày 19/11/2008 của UBND tỉnh Ninh Thuận.

Theo Quyết định số 116/QĐ-SVHTTDL, ngày 08/6/2016 của Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận, về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm (sau đây gọi tắt là Trung tâm) như sau:

- Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập, có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, trực thuộc và chịu sự chỉ đạo, quản lý toàn diện, trực tiếp của Sở VHTTDL.

- Trung tâm có chức năng nghiên cứu và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm trong nền văn hóa Việt Nam đa dạng và thống nhất.

1. Nhiệm vụ, quyền hạn:

- Xây dựng các kế hoạch, dự án, đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm và thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Chăm bao gồm: kiến trúc, điêu khắc, công cụ lao động, văn hóa - văn nghệ dân gian, tín ngưỡng, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, sinh hoạt... Tổ chức lưu trữ, trưng bày, giới thiệu các kết quả nghiên cứu và phổ biến, phát triển những mặt tích cực của DSVH Chăm phù hợp với xu thế của thời đại;

- Sưu tầm, phục chế, trưng bày và giới thiệu hiện vật văn hóa Chăm; tổ chức hoạt động thư viện, lưu trữ thư tịch cổ, phim, ảnh tư liệu về văn hóa Chăm, phục vụ cho hoạt động phổ biến, nghiên cứu;

- Phục vụ các đối tượng đến tham quan, nghiên cứu và sử dụng các tài liệu do Trung tâm lưu giữ; trao đổi tài liệu, hiện vật giữa Trung tâm với các đơn vị nghiên cứu, các Bảo tàng theo quy định của pháp luật;

- Mua các tài liệu, hiện vật thuộc đối tượng nghiên cứu, sưu tầm văn hóa Chăm sau khi có sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền; tiếp nhận các tài liệu, hiện vật văn hóa Chăm do các tổ chức, cá nhân tự nguyện bàn giao, hiến tặng;

- Tổ chức thẩm định, đánh giá và công bố đối tượng các công trình nghiên cứu khoa học của Trung tâm theo trình tự, thủ tục quy định và xuất bản các ấn phẩm về văn hóa Chăm theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức hoạt động dịch vụ có thu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và vận động các nguồn tài trợ phục vụ cho hoạt động của Trung tâm theo đúng quy định của pháp luật;

 - Quản lý viên chức, người lao động và tài chính, tài sản của đơn vị theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh;

- Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm với các cấp có thẩm quyền theo quy định;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở VHTTDL giao và theo quy định của pháp luật.

2. Cơ cấu tổ chức và biên chế:

- Lãnh đạo Trung tâm gồm có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc.

- Các phòng chuyên môn nghiệp vụ gồm:

+ Phòng Hành chính - Tổng hợp: 03 người;

+ Phòng Lưu trữ - Trưng bày: 04 người;

+ Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm: 05 người.                   

- Biên chế được giao theo Quyết định số 58/QĐ-UBND ngày 15/01/2016 của UBND tỉnh: 16 người; đã thực hiện 14 trong đó: 07 nam, 07 nữ.

+ Trình độ hiện nay: Thạc sĩ: 06 người; Đại học: 08 người;

+ Dân tộc Chăm 08 người, trong đó: Bàlamôn 02; Bàni 05; Islam 01.

Là đơn vị mang tính đặc thù riêng biệt trong hệ thống các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận nói riêng và hệ thống các cơ quan nhà nước nói chung, bởi đây là cơ quan đơn nhất chuyên làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về văn hóa Chăm trên cả nước. 

3. Giới thiệu một số hoạt động chuyên môn

Với những ngày đầu đầy khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị cho đến con người, đến nay Trung tâm đã có một cơ ngơi tương đối khang trang dù chưa hoàn thiện về nội thất và trang thiết bị bên trong. Nhưng Trung tâm đã có một đội ngũ cán bộ chuyên môn khá vững vàng, được đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ các mặt theo yêu cầu tiêu chuẩn chức danh và yêu cầu phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, trưng bày, phổ biến, bảo tồn về văn hóa Chăm và một số dân tộc có nền văn hóa gần gủi với Văn hóa Chăm.

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu nhiều chuyên đề về văn hóa Chăm, sưu tầm, phục chế trên 1.800 hiện vật. Trong đó có nhiều hiện vật gốc đưa vào trưng bày giới thiệu tại chỗ; Phòng đọc hơn 1.600 bản sách, tư liệu chuyên khảo phục vụ công tác nghiên cứu. Hàng trăm tư liệu thô đang lưu trữ về văn hóa Chăm trong tỉnh và các tỉnh. Trung tâm cũng tổ chức và phối hợp tổ chức trưng bày, triển lãm chuyên đề, lưu động nhiều cuộc phục vụ những ngày lễ, kỷ niệm, ngày hội văn hóa Chăm, văn hóa các dân tộc ở trong và ngoài tỉnh do Trung ương, địa phương tổ chức.

Xuất bản nhiều đầu sách nghiên cứu về DSVH Chăm: Qua 30 năm hình thành và phát triển, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm đã công bố, xuất bản sách hàng loạt các công trình nghiên cứu, tư liệu điền dã có giá trị khoa học và thực tiễn như: – Truyện cổ dân gian Chăm, NXB. Văn hoá Dân tộc, năm 2000. – Hệ thống thuỷ lợi và lễ nghi nông nghiệp cổ truyền Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận, NXB. Văn hoá dân tộc, năm 2002. – Lễ nghi nông nghiệp truyền thống tộc người Chăm và Raglai Ninh Thuận, NXB. Nông nghiệp, năm 2010. – Văn hóa phi vật thể người Chăm Ninh Thuận, NXB. Nông nghiệp, năm 2014. – 40 năm nghiên cứu Văn hóa Chăm, NXB. Văn hoá dân tộc, năm 2015. – Trò chơi dân gian người Chăm Ninh Thuận, NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, năm 2015. – Tiền tố tiếng Chăm, NXB. Nông nghiệp, năm 2016. – Văn hóa Chăm Hroi, NXB. Nông nghiệp, năm 2016. – Văn hóa truyền thống làng Chăm Lạc Tánh, NXB. Nông nghiệp, năm 2020. – Truyện cổ và truyền thuyết dân gian Chăm, NXB. Nông nghiệp, năm 2019. – Văn hóa truyền thống làng Chăm Tân Bổn và Vụ Bổn, NXB. Nông nghiệp, năm 2021. – Khảo cứu văn hóa dân gian người Chăm tập 1, tập 2, NXB. Nông Nghiệp, năm 2022.

Kể từ năm 2017 đến nay, Trung tâm tiến hành xây dựng điểm đến tham quan và nghiên cứu theo chủ trương của tỉnh.

Tại không gian ngoài trời trưng bày theo lối phục dựng, biểu diễn và trải nghiệm bao gồm:

- Khu tượng Kút của người Chăm theo đạo Bàlamôn. Kút gắn liền với tang lễ, lễ nghi vòng đời, gắn với đời một con người từ khi sinh ra cho đến khi được nhập Kút. Bia ký Chăm ở Hòn Đỏ (Thế kỷ VIII - IX), một điểm đến Du lịch sinh thái, du lịch khảo cổ học đồng thời là nơi du lịch tâm linh trong mùa lễ hội đầu năm của làng Chăm Bỉnh Nghĩa. Bia ký tháp Hòa Lai cùng niên đại với Bia ký Hòn Đỏ, hiện vật gốc đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh và được lập hồ sơ công nhận Bảo vật quốc gia. Bên cạnh là bệ đá thờ tại đền Po Inư Nưgar (Mông Đức, Phước Hữu), có niên đại thế kỷ XVII.

- Khu biểu diễn theo yêu cầu về giới thiệu mô hình các công đoạn làm gốm Bàu Trúc… Nghệ thuật làm gốm Chăm hiện đã lập hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh mục DSVH phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Biểu diễn nghề Dệt thổ cẩm làng Chăm Mỹ Nghiệp và khu biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc dân gian Chăm.

Tại không gian tầng trệt, trưng bày theo lối dân tộc học bao gồm:

Các cổ vật, hiện vật, hình ảnh và mô hình tiêu biểu về văn hóa Chăm được trưng bày một cách logic và khoa học, dễ nhớ, dễ hình dung giữa văn hóa vật thể và phi vật thể của người Chăm Ninh Thuận. Các làng nghề truyền thống: Thuốc Nam, gốm và dệt có mối quan hệ khắng khít với nhau; tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt hàng ngày; đời sống tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán của người Chăm… Đặc biệt là quan niệm nhân sinh quan, thế giới quan thông qua các biểu tượng, trang phục, nhạc cụ, chữ viết, lễ hội… của người Chăm đã tồn tại hàng ngàn năm qua.

Tại không gian tầng 1, trưng bày theo lối khảo cổ học và ảnh minh họa bao gồm 02 phòng:

Phòng ngoài, mở cửa thường xuyên, kể cả ngày nghỉ nếu du khách yêu cầu.

Còn phòng trong hạn chế đối tượng tham quan và chỉ mở cửa vào ngày thứ Tư hàng tuần. Nhiều người bất ngờ khi xem bộ sưu tập gốm cổ Champa ở đây. Đó là bộ sưu tập những cái ché, bình, đĩa, chén, tô, ấm, hủ… Lại không có cái nào giống cái nào, vừa cổ, vừa quý bởi được chế tác thủ công và cho thấy vai trò lưu giữ của của các nhà sưu tầm và người Tây Nguyên quan trọng đến mức nào!

ThS. Lê Xuân Lợi - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận


Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 9
  • Trong tuần: 850
  • Tất cả: 64639

 TRANG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VĂN HÓA CHĂM

Địa chỉ : 28 Đường Tô Hiệu, Phường Tấn Tài, TP. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận. 
Điện thoại : 0259 3822723  - 02593504099       Email : ttncvhc@ninhthuan.gov.vn.
Ghi rõ nguồn ttncvhc.ninhthuan.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Website này.