Trích bài tọa đàm trực tuyến chủ đề "Giao thoa văn hóa Ấn Độ - Việt Nam: Di sản văn hóa Óc Eo - Champa"

Theo cách hiểu của tôi về nghĩa rộng và nghĩa hẹp, Văn minh là một lát cắt trong sự phát triển của văn hóa. Nó chỉ trình độ cao phát triển của xã hội, thước đo của sự phát triển. Văn minh ra đời sau văn hóa và thiên về giá trị vật chất, kỹ thuật, công nghệ gắn với việc nhà nước ra đời, luật pháp, đô thị…

Với cách hiểu này, tôi chọn tiêu đề “Dấu ấn văn minh Ấn Độ qua lễ hội Katé của người Chăm tại tháp Po Laong Girai” tỉnh Ninh Thuận … cho buổi tọa đàm này.

Tôi tên Lê Xuân Lợi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận, xin gửi lời chào trân trọng vì được cùng trao đổi với quý vị và các bạn về chủ đề:

Dấu ấn văn minh Ấn Độ qua lễ hội Katé của người Chăm tại tháp Po Laong Girai” tỉnh Ninh Thuận.

1. Đặt vấn đề

Văn hóa và văn minh, đều là do con người tạo ra và vì sự tồn tại của con người. Đều chứ đựng trong đó những giá trị nhân văn. Đa phần cho rằng văn hóa và văn minh khác nhau, nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

- Văn hóa ( , culture, cultura) việc làm cho đẹp, cảm hóa, giáo hóa, hành động đẹp mang tinh thần, đạo đức và trí tuệ.

- Văn minh ( - Civilization, xuất xứ từ civitus - đô thị) là vẽ đẹp chói sáng, ngời sáng. Kết tinh trí tuệ sáng tạo của con người.

Theo cách hiểu của tôi về nghĩa rộng và nghĩa hẹp, Văn minh là một lát cắt trong sự phát triển của văn hóa. Nó chỉ trình độ cao phát triển của xã hội, thước đo của sự phát triển. Văn minh ra đời sau văn hóa và thiên về giá trị vật chất, kỹ thuật, công nghệ gắn với việc nhà nước ra đời, luật pháp, đô thị…

Với cách hiểu này, tôi chọn tiêu đề “Dấu ấn văn minh Ấn Độ qua lễ hội Katé của người Chăm tại tháp Po Laong Girai” tỉnh Ninh Thuận … cho buổi tọa đàm này.

- Các từ được viết và nói trong bài viết này xin quý vị tạm hiểu theo cách phiên âm và phát âm tiếng Chăm như sau:

* Katé (Katê, a-nD)

* Po Klaong Girai (Po Klaung Girai, Pô Klong Garai, -}# -a)F c%=;). Trong Sử ký Trung Hoa gọi là Bà Khắc Lượng Gia Lai - 刻 諒 傢 來.

2. Tháp Po Klaong Girai

Quý vị và các bạn đã biết, những công trình kiến trúc nổi tiếng của Ấn Độ và các nước Đông Nam Á như: Konarac, Kharujaho, Mahabalipuram, Angkor Watt, Loro Jong Grang, Tháp Chăm ở Việt Nam và nhiều tác phẩm triết học lớn của Ấn Độ như Ramayana, Mahabharata… đều ra đời trên nền tảng của Đạo Bàlamôn.

- Tháp Po Laong Girai, được xây dựng trên đồi Trầu, thuộc phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Cách Trung tâm thành phố theo Quốc lộ 27, hướng Phan Rang – Đà Lạt 6 km. Di tích đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt vào ngày 22/12/2016.

Những dấu tích còn lại cho biết, xưa kia tháp Po Klaong Girai là một quần thể kiến trúc lớn, gồm nhiều công trình lớn, nhỏ khác nhau. Nhưng, hiện nay, tại đây chỉ còn lại ba ngôi tháp kiến trúc gạch: tòa tháp chính (tháp thờ vua Po Klaong Girai), phía Đông là tháp cổng và tháp Lửa mái dài cong phía Nam.

Tức là, tháp Po Klaong Girai hiện nay, có thể được xây dựng trên nền móng hoặc được tu bổ, tôn tạo trên cơ sở của một ngôi tháp cũ vào khoảng cuối thế kỷ XIII - đầu thế kỷ XIV. Đây là một vấn đề hết sức lý thú, cần được tiếp tục nghiên cứu và giải mã.

- Tượng thần Shiva: đây là hiện vật còn nguyên vẹn nhất, đẹp nhất và hoàn mỹ nhất. Về tượng thần Shiva, theo tín ngưỡng và tôn giáo của dân tộc Chăm thì người ta thờ nhiều vị thần khác nhau, nhưng thần Shiva được tôn sùng và đề cao hơn cả đó là dấu ấn rõ nhất về nền văn minh Ấn Độ được Chăm hóa. Chính vì vậy mà thần Shiva ở đây được các nhà điêu khắc đương thời tạc ra nhiều dạng khác nhau thể hiện uy quyền của tháp. Trong các dạng đó, tượng thần Shiva ở tháp Po Klaong Girai được mô tả đang nhảy múa, 6 tay cầm những nhạc khí khác nhau. Từng đường nét được khắc chạm rất tinh vi, có sức quyến rũ tất cả mọi người đến tham quan, nghiên cứu. Sau nhiều lần trùng tu tôn tạo, nhưng tượng Thần Siva đang múa trên trán cửa tháp chính. Đây là một trong những pho tượng Siva đẹp nhất hiện nay ở Việt Nam có niên đại thời vua Chế Mân.

- Tượng bò thần Nandin: theo quan niệm của người Chăm theo đạo Bàlamôn, khi chết đi linh hồn của mọi người sẽ được bò thần Nandin đưa về cõi vĩnh hằng, đây là việc người Chăm có ảnh hưởng rất nhiều và trực tiếp dấu ấn của nền văn minh Ấn Độ. Tượng bò thần không chỉ làm đẹp ở lòng tháp mà ở tầng trên cùng của tháp chính (tầng thứ 4) có 4 đầu bò thần hướng về 4 phía.

- Bệ thờ Linga - Yoni: Ở hầu hết các tháp Chăm đều có bệ thờ Linga - Yoni. Bộ Linga - Yoni được đặt ở bên trong, nơi trung tâm nhất trong lòng tháp. Theo quan niệm truyền thống của dân tộc Chăm: mỗi vị thánh đều phù hộ cho họ ở những phương diện khác nhau, tác dụng khác nhau. Để tượng trưng cho sự bảo tồn nòi giống và sự phát triển của dân tộc, người Chăm thờ Linga - Yoni.

- Hai bia ký hai bên là chữ Chăm cổ. Đặc biệt là phiến đá 3 mặt khắc chữ Phạn cổ ở phía Đông Bắc tháp chính có niên đại thế kỷ XI (1050). Đây là bia ký của hai hoàng thân - hai em trai của vua Jaya Paramesvarman I. Nội dung của bia ký nói về việc hai vị hoàng thân tên là Yuvaraja và Devaraja, sau chiến thắng trong việc đàn áp cuộc nổi dậy của người dân Panduranga, đã cho dựng một linga và một cột chiến thắng. Niên đại này khác với niên đại của vị vua Po Klaong Girai.

- Chú ý nhất là, trong nhiều tháp Chăm hiện còn ở Việt Nam, thì chỉ có tháp Po Klaong Girai, tháp Po Romé ở Ninh Thuận và tháp Po Dam ở Bình Thuận đang được người Chăm tổ chức các lễ hội truyền thống hàng năm. Chủ yếu là người Chăm theo đạo Bàlamôn tổ chức hành lễ và lớn nhất là lễ hội Katé. Nơi tổ chức lớn nhất, quy mô nhất và đông người tham gia nhất là tại tháp Po Klaong Girai, tỉnh Ninh Thuận.

 3. “Dấu ấn văn minh Ấn Độ qua lễ hội Katé của người Chăm tại tháp Po Laong Girai” được thể hiện qua:

- Nguồn gốc Lễ hội Katé chưa tư liệu nào khẳng định xuất hiện từ khi nào, nhưng chỉ biết rằng, lễ này thường được đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tại 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận tổ chức hằng năm vào ngày 30/6, 01/7 đến 10/7 theo lịch Chăm, tương ứng với khoảng thời gian vào tháng 9, 10 hoặc đầu tháng 11 Dương lịch.

Với ngày đầu tiên ở trên các đền - tháp; ngày thứ hai ở ngôi nhà chung của làng và ở nhà Cả sư Bàlamôn; từ ngày thứ ba và tiếp theo thường dành cho các hộ gia đình. Theo chu trình thời gian, đây là dịp cuối mùa thu, cũng là lúc mà mùa màng của người Chăm đã thu hoạch xong, là lúc nhàn rỗi, nghỉ ngơi để chuẩn bị bước vào vụ mùa tiếp theo.

- Mục đích tổ chức Lễ hội Katé thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn của nhân dân với các vị thần của người Chăm cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân dân được mạnh khỏe, bình yên, ấm no và hạnh phúc. Bên cạnh đó, lễ hội Katé thể hiện được sức mạnh cộng đồng làng xã và địa phương. Họ thờ chung vị thần, có chung mục tiêu là cùng nhau vượt qua gian khó để vươn tới cuộc sống ấm no hạnh phúc. Lễ hội là nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân tham gia lễ hội, là hình thức giáo dục, chuyển giao cho các thế hệ sau biết gìn giữ, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của dân tộc theo cách riêng, kết hợp yếu tố tâm linh, đua tài, giải trí,... Lễ hội cũng là dịp để con người được giải tỏa, dãi bày những phiền muộn, lo âu với thần linh, mong được thần linh giúp đỡ, chở che vượt qua những thử thách, khó khăn cuộc sống thường ngày. Đây là mục đích chung của nhiều lễ hội mang tính nông nghiệp vùng Châu Á xưa và nay.

- Đối tượng thờ cúng gồm: thần Siva, thần mẹ Xứ sở (Po Inâ Nâgar), thần Po Klaong Girai, thần Po Romé, thần Po Par, thần Po Bia, thần Po Sah và trên 20 vị thần được mời về dự lễ. Đó là sự tiếp biến Bàlamôn giáo của người Chăm.

- Trong Lễ hội Katé, đội ngũ chức sắc tham gia hành lễ vừa có chức sắc tôn giáo Bàlamôn, vừa có chức sắc tín ngưỡng dân gian Chăm; Đa số là người Chăm theo đạo Bàlamôn đến hành lễ, nhưng cũng có người Chăm theo đạo khác cũng tham gia. Dù chưa được giải thích thấu đáo, nhưng dấn ấn màu sắc trang phục của đội ngũ chức sắc tôn giáo Bàlamôn, chức sắc tín ngưỡng dân gian và tín đồ đi hành lễ Katé đều có một màu trắng, tô điểm thêm ít màu đỏ, vàng của vật dụng và y trang kèm theo của xứ sở miền nhiệt đới nắng nóng này.

- Chủ lễ: Katé tại tháp Po Laong Girai được điều hành bởi Ban tế lễ đạo Bàlamôn gồm: thầy Cả sư trụ trì (Po Ashia) làm chủ lễ; thầy kéo đàn Kanhi hát thánh ca (Kadhar Gru); Bà bóng (Muk Pajau) dâng lễ vật lên các vị thần; ông Từ (Chăm mưnay) chủ lễ tắm tượng; và một số tu sĩ Bàlamôn phụ lễ.

- Lễ vật dâng cúng trong lễ hội Katé tại tháp Po Klaong Girai bao gồm: 01 con dê; 03 con gà làm lễ tẩy uế đất tháp; 05 mâm cơm, canh cúng với thịt dê; 01 mâm cơm với muối vừng; 03 cổ bánh gạo và hoa quả. Ngoài ra còn có rượu, trứng, trầu cau, xôi chè, các loại bánh được chế biến từ nông nghiệp. Thông qua lễ vật cúng tế do các cộng đồng người Chăm dâng lên các đền - tháp và trong các gia đình, chúng ta có thể khẳng định, tết Katé có nguồn gốc từ các nghi lễ nông nghiệp, có ảnh hưởng Bàlamôn giáo cho nên tuyệt đối không có thịt bò (linh vật cấm kỵ) trong lễ hội.

- Quy trình hành lễ bao gồm:

+ Lễ rước y trang (Rauk khan aw Po Yang)

Trong ngày lễ rước y trang, ngoài người Chăm còn có đoàn người Raglai. Đoàn người rước y trang được sắp xếp: dẫn đầu là 05 đến 06 người Raglai đánh mả la; tiếp đến là Cả sư chủ trì đền tháp; Thầy kéo đàn kanhi; Bà bóng; đội vũ nhạc; ở giữa là kiệu khiêng y phục của vua. Qua đây thể hiện tính cộng đồng các dân tộc gắn kết từ ngày xưa.

+ Lễ mở cửa tháp (Pơh băng yang)

Sau khi y trang đưa về đến tháp, Ban phong tục tiến hành các lễ tiếp theo. Các tu sĩ xin phép thần Shiva làm lễ mở cửa tháp, lễ này được diễn ra trước cửa tháp, được Cả sư và ông Từ giữ tháp điều hành. Trong không khí trang nghiêm thầy cúng tế hát cầu lễ thần linh như sau:

Chúng con lấy nước từ sông lớn,

Chúng con đội nước về tháp tắm Thần…

Đây là nghi thức đầu tiên về tôn giáo Bàlamôn kết hợp với nghi thức của cư dân nông nghiệp sông nước, xem thần Sông luôn gắn với đời sống của mình.

Sau khi đọc xong lời cầu nguyện ông Camưnay cầm lọ nước tắm Thần tạt lên tượng Shiva trên vòm cửa của tháp. Tiếp đó, Thầy kéo đàn Kanhi và Bà bóng tiến đến trước cửa tháp chính ngồi bên tượng bò thần Nadin để hát xin lễ mở cửa tháp. Lời hát lễ có đoạn sau:

Hãy xông hương trầm bằng lửa thiêng,

Hương trầm của người trần dâng lễ

Hương trầm bay tỏa ngát không gian,

Chúng con xin mở cửa tháp cúng Thần

Những lời khấn này ít nhiều mang dấu ấn từ nền văn minh Ấn Độ được người Chăm biến hóa (Chăm hóa) nhưng tắm tượng thần Shiva luôn phải làm trước tiên.

+ Tiếp theo là Lễ tắm tượng Thần (Mưnay Yang)

Lễ tắm tượng thần được diễn ra bên trong tháp. Lễ này được thực hành gồm thầy Cả sư, Thầy kéo đàn Kanhi, Bà bóng, ông Từ và một số tín đồ thực hiện. Khi mọi người đã ngồi vào bàn lễ, xung quanh bệ thờ thần thì bà bóng rót rượu dâng lễ, thầy kéo đàn Kanhi bắt đầu hát lễ theo. Bài hát lễ tắm thần có đoạn:

Chúng con mang nước này từ sông thiêng,

Xin tắm, gội đầu, rửa tay chân cho Thần

Chúng con lấy nước từ sông thiêng,

Xin tắm và lấy khăn lau mình Thần

Thần đã về trời lâu ngày,

Hôm nay mới đến phù hộ độ trì chúng con.

Một lần nữa, chúng ta gặp dòng sông thiêng trong tôn giáo Bàlamôn Chăm.

+ Lễ mặc y trang cho Thần (Angui khan aw Yang)

 Sau khi lễ tắm tượng thần kết thúc tiếp đến nghi lễ mặc y trang cho thần. Lễ thức được tiến hành theo lời bài hát thánh ca của thầy Kanhi. Lời bài hát đến đâu thì y trang Thần được mặc vào đến đó. Đầu tiên là lễ mặc váy, áo, khăn đội, thắt dây lưng, rồi mang giầy, đội mão... Lời thầy hát lễ như sau:

Nghe tiếng thác đổ trên núi cao,

Thần Po Klaong Girai mặc váy viền hoa về dự lễ

Tiếng thác đổ xuống rì rào,

Thần Po Klaong Girai mặc áo bào về dự lễ

Tiếng thác đổ xuống vịnh sâu,

Thần Po Klaong Girai đội mão vàng về dự lễ…

Lời bài hát trên liên tưởng đến địa hình xung quanh và đây như là một vùng đất linh thiêng vậy.

+ Đại lễ (Mưliêng Yang)

Sau khi kết thúc lễ mặc y trang hoàn tất, lúc này tượng thần đã mang trên mình bộ long bào lộng lẫy, thì cũng là lúc vật dâng cúng được bày ra trước bệ thờ. Đại lễ bắt đầu, lúc này Cả sư làm chủ điều khiển nghi lễ, Bà bóng dâng lễ vật, thầy kéo đàn Kanhi hát mời các vị thần về dự lễ. Các vị thần mời là các vị thần có công với dân với nước được người dân ngưỡng mộ suy tôn. Cứ như thế thầy kéo đàn kanhi mời trên 20 vị thần về dự lễ. Khi hát về thần Po Klaong Girai:

Vào canh một, canh hai

Po Klaong Girai hiện về hưởng lễ vật

Vào canh hai, canh ba

Po Klaong Girai hiện về hưởng lễ vật ....

Ngài Po Klaong Girai dựng lên tảng đá,

Ngài đem ngăn sông đắp đập giữa núi

Dân làng phủ phục, tôn vinh ngài làm vua,

Xây tháp, tạc tượng thờ thần Po Klaong Girai

Nước về đập vỡ ào ra,

Trai làng chất đá đắp đập ngăn sông

Nước chảy thành hai nhánh sông,

Trai làng bơi thuyền trên sông nước

Hoàng hậu tắm mình trong dòng nước mát,

Đêm lạnh hoàng hậu ngủ ôm chồng...

 Cứ như thế thầy kéo đàn Rabap hát mời trên 20 vị thần về dự, mỗi vị thần là một bài hát lễ. Thầy Cả sư thì làm phép đọc kinh cầu nguyện xin thần về hưởng lễ vật mà phù hộ độ trì dân làng. Kết thúc phần Đại lễ bằng vũ điệu múa thiêng của Bà bóng. Trong lúc Bà bóng đang xuất thần điệu múa thiêng trong tháp để kết thúc đại lễ thì bên ngoài bắt đầu mở hội. Những điệu trống ghinăng, kèn saranai cùng vang lên. Thiếu nữ Chăm hân hoan trong điệu múa quạt chúc mừng...

 Câu kết: Tôi hiểu rằng, Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda, Hà Nội (SVCC), hoạt động dưới sự quản lý của Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội, là một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động nhằm mục đích quảng bá văn hóa Ấn Độ đến với người dân Việt Nam và cả người nước ngoài. Thông qua đây tôi xin trân trọng cảm ơn, rất mong muốn Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda, Hà Nội quảng bá văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa dân tộc Chăm nói riêng đến với người dân Ấn Độ trong niềm tự hào về tình hữu nghị về mối quan hệ hợp tác bền lâu. Đặc biệt là “Dấu ấn văn minh Ấn Độ qua lễ hội Katé của người Chăm tại tháp Po Laong Girai”tỉnh Ninh Thuận ./.

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 81
  • Trong tuần: 272
  • Tất cả: 71234

 TRANG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VĂN HÓA CHĂM

Địa chỉ : 28 Đường Tô Hiệu, Phường Tấn Tài, TP. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận. 
Điện thoại : 0259 3822723  - 02593504099       Email : ttncvhc@ninhthuan.gov.vn.
Ghi rõ nguồn ttncvhc.ninhthuan.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Website này.