Lịch sử hình thành Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận
Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo Văn hóa Chăm được thành lập ngày 19/01/1993. Sau được đổi thành Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận. Là đơn vị mang tính đặc thù riêng biệt trong hệ thống các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận nói riêng và hệ thống các cơ quan nhà nước nói chung, bởi đây là cơ quan đơn nhất chuyên làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về văn hóa Chăm trên cả nước. 

Với những ngày đầu đầy khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị cho đến con người, đến nay Trung tâm đã có một cơ ngơi tương đối khang trang dù chưa hoàn thiện về nội thất và trang thiết bị bên trong. Trung tâm đã có một đội ngũ cán bộ chuyên môn khá vững vàng, được đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ các mặt theo yêu cầu tiêu chuẩn chức danh và yêu cầu phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, trưng bày, phổ biến, bảo tồn về văn hóa Chăm và một số dân tộc có nền văn hóa gần với Văn hóa Chăm. 

Từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu nhiều chuyên đề về văn hóa Chăm và văn hóa các dân tộc khác có liên quan với người Chăm do tiếp biến, giao lưu văn hóa trong quá trình lịch sử; tiến hành sưu tầm, phục chế trên 1.300 hiện vật. Trong đó có nhiều hiện vật gốc đưa vào trưng bày giới thiệu tại chỗ, bao gồm: công cụ lao động sản xuất, dụng cụ sinh hoạt, sản phẩm và vật dụng nghề thủ công truyền thống, trang phục, trang sức, phương tiện vận chuyển, tranh, tượng, nhạc cụ, thư tịch cổ và các cổ vật khác. Ngoài ra, Trung tâm cũng tổ chức và phối hợp tổ chức trưng bày, triển lãm chuyên đề, lưu động nhiều cuộc phục vụ những ngày lễ, kỷ niệm, ngày hội văn hóa Chăm, văn hóa các dân tộc ở trong và ngoài tỉnh do Trung ương, địa phương tổ chức. Đơn vị đã được các nhà sưu tầm ưu ái hiến tặng hiện vật về văn hóa Chăm quý giá. Trong đó có các nhà Sưu tập cổ vật: Lâm Dư Thanh (Dũ Xênh) ở Châu Ổ, Quảng Ngãi; Diệp Gia Tùng (Sùng) ở thành phố Hội An; Nguyễn Ngọc Ẩn ở Mũi Né, Phan Thiết; Nguyễn Văn May ở Bình Thuận; Nguyễn Duy Trường ở Đà Lạt; Thái Hùng Lâm ở Đà Lạt; các nhà sưu tầm, nhân sỹ trí thức Chăm ở Ninh Thuận như: Trượng Tốn; Quảng Văn Đại; Kiều Văn Mạnh; Bá Trung Phụ; Phú Thị Thu; Nguyễn Chí Sơn - Nhà sách Nhân Văn… 

Về tư liệu, Trung tâm hiện có hệ thống phòng đọc hơn 1.200 bản sách, tư liệu chuyên khảo phục vụ công tác nghiên cứu. Tư liệu thô hiện đang lưu trữ là hàng trăm tư liệu chuyên đề gồm những tư liệu khảo cứu về văn hóa Chăm trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên… Bên cạnh đó, còn có một số chuyên đề nghiên cứu về văn hóa Raglai, Chu ru, K’ho, Chăm H’roi...

Hàng năm, ngoài thực hiện chức năng nghiên cứu Trung tâm còn mở cửa phục vụ khách tham quan, nghiên cứu trong và ngoài nước đến học tập, tìm hiểu, tra cứu tư liệu để viết chuyên đề, luận văn hàng ngàn lượt; tổ chức truyền dạy nhạc cụ dân tộc Chăm, tổ chức Hội thi diễn tấu nhạc cụ và hát dân ca Chăm - Raglai toàn tỉnh; phối hợp tổ chức trưng bày chuyên đề giới thiệu về văn hóa Chăm cùng với các dân tộc khácThông qua các hiện vật được trưng bày rất phong phú và đa dạng với sự hướng dẫn đầy tâm huyết của người thuyết minh, du khách và người dân địa phương có thể hiểu thêm về đời sống văn hóa, tín ngưỡng và sinh hoạt thường ngày của người Chăm nhiều thế kỷ qua, còn các nhà nghiên cứu sẽ gặt hái được những thông tin bổ ích về văn hóa Chăm qua các giai đoạn lịch sử.
Trong những năm qua và nhiều năm tới, Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm sẽ tiếp tục phối hợp với các Bảo tàng: Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, An Giang, Bến Tre, Lâm Đồng, Cát Tiên, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ và nhiều Bảo tàng khác trong việc trưng bày giới thiệu về văn hóa Chăm. Đặc biệt sẽ có kế hoạch Trưng bày giới thiệu văn hóa Chăm của các nhà sưu tầm cổ vật ở Miền trung.

Ninh Thuận hiện nay là tỉnh duy nhất có một đơn vị thực hiện chức năng nghiên cứu về văn hóa Chăm. Đội ngũ cán bộ khá vững vàng, được đào tạo và đầy tâm huyết với các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ trưng bày mở rộng, nâng cao để có nhiều công trình giá trị, phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa Chăm trong đời sống xã hội, góp phần giữ gìn, phát huy vốn văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung./.

Nguồn: Lê Xuân Lợi – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 38
  • Trong tuần: 437
  • Tất cả: 75476

 TRANG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VĂN HÓA CHĂM

Địa chỉ : 28 Đường Tô Hiệu, Phường Tấn Tài, TP. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận. 
Điện thoại : 0259 3822723  - 02593504099       Email : ttncvhc@ninhthuan.gov.vn.
Ghi rõ nguồn ttncvhc.ninhthuan.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Website này.