VUI CÙNG LỄ HỘI KATÊ NĂM 2019

Hàng năm, cứ đến tháng 7 Chăm lịch hoa Tagalau nở tím trên ngọn đồi báo hiệu mùa Katê lại về, người Chăm nô nức hành hương lên đền tháp cổ kính dâng lễ để cầu mong sự ấm no và hạnh phúc.


Lễ hội Katê diễn ra vào 3 ngày chính, từ ngày 27 đến ngày 29 tháng 9 năm 2019.

Ngày 27/9/2019

Hành trình lễ hội Katê bắt đầu từ nghi lễ rước Y Trang Po Ina Nagar ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Người Chăm theo chế độ mẫu hệ nên theo luật tục người con gái út được quyền giữ gia sản của tổ tiên. Trong dân gian tương truyền người Chăm là chị cả còn người Raglai là con gái út qua câu thành ngữ “Cham sa-ai Raglai Adei”. Vì vậy, vào dịp tổ chức lễ hội Katê, người Chăm chuẩn bị kiệu, lộng, kèn, cờ và trống đi đón rước Y Trang từ cộng đồng người Raglai ở thôn Giá, xã Phước Hà, huyệnThuận Nam.

Nghi thức đón rước y trang diễn ra rất long trọng, khi đoàn người Raglai bước vào làng Chăm, hàng trăm thanh niên, thiếu nữ trong bộ trang phục truyền thống với nhiều màu sắc rực rỡ múa mừng chào đón đoàn rước y trang. Người Raglai đáp lại bằng những vũ điệu, tiếng kèn và tiếng mả la du dương làm say mê lòng người.

Ngày 28/9/2019

Buổi sáng, Y trang mặc cho tượng thần được rước lên đền tháp để tiến hành nghi lễ. Trên đền tháp Po Ramê, đền tháp Po Klaong Giray và đền thờ Po Ina Nagar nhịp sống trở nên nhộn nhịp, vui tươi và tràn đầy phấn khởi bởi những đoàn người hành hương cúng lễ và du khách thập phương. Lễ hội Katê có các chức sắc Po Adhia, ông Kadhar, ông Camanei, bà Pajau tham gia hành lễ mở cửa tháp, tắm tượng thần, mặc y trang, dâng lễ vật và hát thánh ca về tiểu sự và công đức các vị thần linh.

Ngày 29/9/2019

Sau khi tổ chức Katê ở trên đền tháp xong, mọi người trở về ngôi làng của mình để tổ chức cúng thần làng. Trong tháng Katê, một số dòng họ, gia đình còn tổ chức cúng cơm để tạ ơn thần linh, tổ tiên và ông bà. Qua đó, cầu mong tổ tiên phù hộ độ trì và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Trong thời gian diễn ra lễ hội Katê của đồng bào Chăm, du khách có thể dành thời gian để khám phá làng nghề dệt thổ cẩm ở Mỹ Nghiệp và làng gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân. Vào năm 2017, Nghệ thuật làm gốm thủ công truyền thống của người Chăm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật cấp quốc gia.

Du khách thích khám phá về đời sống, sinh hoạt văn hóa, thưởng thức các món ăn truyền thống của người Chăm, các sản vật địa phương của quê hương Ninh Thuận như rượu vang, nho, táo. Đặc biệt, là các tiết mục văn nghệ đặc sắc do chính các nghệ nhân người Chăm biểu diễn xin hãy liên hệ Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm. Rất hân hạnh được phục vụ quý khách./.

Mọi thông tin xin liên hệ:

Ông Lê Xuân Lợi – Giám đốc Trung tâm  Nghiên cứu Văn hóa Chăm.

Điện thoại: 0259 350 4099.

 

Quý khách có nhu cầu vui lòng đặt trước 90 phút !

 

 


Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 18
  • Trong tuần: 859
  • Tất cả: 64648

 TRANG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VĂN HÓA CHĂM

Địa chỉ : 28 Đường Tô Hiệu, Phường Tấn Tài, TP. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận. 
Điện thoại : 0259 3822723  - 02593504099       Email : ttncvhc@ninhthuan.gov.vn.
Ghi rõ nguồn ttncvhc.ninhthuan.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Website này.