GIÁ TRỊ VĂN HOÁ CỦA ĐÌNH ĐẮC NHƠN NINH THUẬN
 

   Đối với người Việt thì ngôi đình là nơi thờ thần hoàng, vị thần bổn mệnh của dân làng đồng thời là nơi gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt tâm linh, vui chơi, hội hè. Quá trình cộng cư giữa người Việt và người Chăm có sự giao lưu, tiếp biến văn hoá lẫn nhau.



Điểm giao thoa văn hoá Việt - Chăm dễ dàng nhận biết nhất là ngôn ngữ, cách ăn mặc, kỹ thuật xây dựng nhà cửa và đền thờ. Đặc biệt, là hiện tượng ngôi đình Đắc Nhơn của người Việt thờ vị vua Po Klaong Garay của người Chăm.

1. Nguồn gốc Đình Đắc Nhơn

Đình Đắc Nhơn toạ lạc tại thôn Đắc Nhơn, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Ngôi đình xây dựng trên một khu đất bằng, rộng có diện tích 1.319 m2 , nằm sát quốc lộ 27 theo hướng từ thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đi lên thành phố Đà Lạt. Cách đền tháp Po Klaong Garay khoảng 10km về hướng tây.  Theo hồ sơ lý lịch di tích của Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận, đình Đắc Nhơn do một vị sư người Trung Quốc đến Phan Rang xây dựng vào thế kỷ thứ XVIII tên là Hoà thượng Liễu Minh - Đức Tạng. Lúc mới xây dựng, đình Đắc Nhơn chỉ là một ngôi miếu nhỏ mang tên “Đắc Nhơn Từ Miếu”. Vào năm 1852, có nhóm thợ người Bình Định đang trùng tu chùa Thiền Lâm được người dân thôn Đắc Nhơn mời đến để trùng tu, nâng cấp đình Đắc Nhơn. Trong các năm 1953, 1963 đình Đắc Nhơn tiếp tục được tu bổ, chỉnh sửa. Nhưng, về cơ bản vẫn giữ nguyên hình mẫu ban đầu.

Điều bí ẩn tồn tại hàng trăm năm nay mà không ai lý giải được tại sao ngôi đình Đắc Nhơn của người Việt lại thờ vua Po Klaong Garay của người Chăm? Và việc vua Po Klaong Garay của người Chăm trở thành vị thần hoàng trong ngôi đình của người Việt là một hiện tượng giao lưu văn hoá rất độc đáo. Nhân dân thôn Đắc Nhơn còn lưu truyền câu chuyện rằng, xưa kia vùng đất mà họ đang sinh sống là thuộc nước Chiêm Thành. Để ghi ơn những bậc tiền hiền đã khai khẩn đất hoang, dẫn thuỷ nhập điền nên họ thờ phượng ngài để cầu mong sự bình an, sung túc, lúc gặp hoạn nạn cầu mong ngài phù hộ và che chở.  

2. Giá trị văn hoá tại đình Đắc Nhơn

Trong một năm có nhiều lễ cúng diễn ra tại ngôi đình Đắc Nhơn. Các lễ cúng tân niên, tất niên, tam nguyên lễ vật dâng cúng chỉ có các món ăn chay như xôi, chè, trái cây, nước trà và hoa. Riêng, trong lễ cúng Kỳ Yên mới có thêm món ăn mặn như thịt vịt, thịt heo và thịt dê. Lễ cúng Kỳ Yên là lễ tế thần, nét độc đáo ở đình Đắc Nhơn là lễ vật dâng cúng phải có một con dê đực. Lễ tế thần ngày xưa tổ chức một năm hai lần vào dịp mùa Xuân (tháng 3) và mùa Thu (tháng 8) nhằm mục đích cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, đền ơn đáp nghĩa vị thần. Người dân tin tưởng có “ Xuân Thu nhị kỳ” thì đời sống mới phát triển, công việc làm ăn gặp nhiều may mắn. Ngày nay, do gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Nên, người dân thôn Đắc Nhơn chỉ còn tổ chức cúng tế thần vào dịp Xuân.

Qua 6 đời vua triều Nguyễn, đình Đắc Nhơn vinh dự 7 lần được trao sắc phong từ thời vua Minh Mạng (1840), Thiệu Trị (1843), Tự Đức (1850, 1880), Đồng Khánh (1887), Duy Tân (1909) và Khải Định (1924). Trong đó, thời vua Thiệu Trị trao 2 tấm sắc phong. Như vậy, đình Đắc Nhơn có tất cả là 8 sắc phong. Nội dung của các tờ sắc phong cho biết vị thần hoàng được dân gian thờ phượng chính ở đình Đắc Nhơn mang tên là “Lạc Phiên Dương thần” mà trong dân gian hay gọi là vua Lác. Cho đến bây giờ, chưa có ai chứng minh tên Lạc Phiên Dương thần có phải là phát âm tên vua Chiêm Thành là Po Klaong Garay? Hay chỉ là biệt hiệu mà người Việt đã gắn cho vua Po Klaong Garay xuất hiện ở thời nhà Nguyễn.

3. Giá trị văn hoá Việt-Chăm tại đình Đắc Nhơn

Người Việt và người Chăm chung sống bên cạnh nhau, việc vay mượn, giao lưu, tiếp biến văn hoá lẫn nhau là điều hiển nhiên. Hiện tượng giao lưu văn hoá thấy rõ ràng nhất là ngôi tháp Bà ở Nha Trang của người Chăm, được người Việt tổ chức cúng lễ, thăm viếng, thắp nhang thường xuyên. Khi có việc cần cầu khẩn những người Việt khắp nơi tìm đến mang theo lễ vật đến cúng để cầu mong ngài ban cho phước lành, tai qua nạn khỏi. Mặt khác, tín ngưỡng thờ mẫu với loại hình văn hoá mẫu hệ đặc trưng của người Chăm được người Việt tiếp nhận qua tín ngưỡng thờ Thiên Y Ana tức là thờ Po Ina Nagar. Ngoài ra, tín ngưỡng thờ phượng Po Rayak cũng rất phổ biến qua tục lễ thờ cá ông của ngư dân sống ven biển. Đối với người Chăm, con gái út trong gia đình có nghĩa vụ thờ phụng tổ tiên và được quyền thừa kế tài sản do cha mẹ để lại. Người Việt thì có câu nói: “Giàu út nhờ khó út chịu”. Đó là những dấu ấn giao thoa văn hoá Việt - Chăm sâu sắc.

Toàn bộ những người thợ xây dựng, trùng tu đình Đắc Nhơn là nhóm thợ từ tỉnh Bình Định đến. Trước năm 1975, ở các làng Chăm có nhiều nhà cổ, được làm hoàn toàn bằng chất liệu gỗ. Và, người Chăm thường hay thuê thợ từ tỉnh Bình Định, Quảng Nam vào để làm nhà cửa, mới đúng với mẫu nhà truyền thống của người Chăm.

Về mặt kiến trúc đình Đắc Nhơn thể hiện đầy đủ tiêu chí của một ngôi đình truyền thống. Nhưng, kiến trúc của đình Đắc Nhơn mang dáng vẻ của một ngôi nhà truyền thống của người Chăm gồm có 3 gian chính. Tại chánh điện có để một cái tấm phảng đặt theo hướng bắc nam, nhìn lên trần nhà là cổ lầu làm bằng tấm ván gỗ kết lại như biểu tượng bức màn Lemlir biểu tượng cho bầu trời trong văn hoá Chăm hay là biểu tượng Thang Sa xuất hiện ở kiến trúc đền tháp Po Klaong Garay và Po Ramê dùng để treo tấm màn lễ Panil mỗi khi dâng lễ vật trong đền tháp. Những dấu vết, bàn tay tài hoa của người thợ vẫn còn hằn in lên trên các nét chạm trổ, điêu khắc ở công trình kiến trúc tôn giáo đình Đắc Nhơn là một bằng chứng sống động về giao thoa văn hoá Việt - Chăm.

Việc một vị vua của người Chăm trở thành thần hoàng được thờ phụng trong ngôi đình của người Việt là một hiện tượng kì lạ và độc đáo phản ánh sự giao lưu, tiếp biến văn hoá Việt - Chăm. Người Việt thờ vua Po Klaong Garay với tên gọi Lạc Phiên Dương thần mà trong dân gian gọi là vua Lác. Đồng thời, người Việt còn sáng tạo thêm về nguồn gốc của vua Lác từ những câu chuyện cổ tích của người Chăm để phù hợp với quan niệm, tư duy người Việt. Khi cúng lễ cho vua Po Klaong Garay trên đền tháp người Chăm cúng con dê, con gà. Khi tiếp nhận văn hoá Chăm, mỗi năm tế thần ở đình Đắc Nhơn bao giờ lễ vật cũng có một con dê. Như vậy, những đường biên văn hoá Việt - Chăm trong việc thờ phụng thần hoàng và xây dựng nhà ở càng làm giàu thêm hệ giá trị văn hoá hai dân tộc./.

 

Bá Minh Truyền

 


Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 53
  • Trong tuần: 894
  • Tất cả: 64683

 TRANG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VĂN HÓA CHĂM

Địa chỉ : 28 Đường Tô Hiệu, Phường Tấn Tài, TP. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận. 
Điện thoại : 0259 3822723  - 02593504099       Email : ttncvhc@ninhthuan.gov.vn.
Ghi rõ nguồn ttncvhc.ninhthuan.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Website này.