NĂM ĐIỂM ĐẾN ĐẸP, ĐẶC SẮC VỀ DI TÍCH, DI SẢN VĂN HÓA CHĂM Ở NINH THUẬN
Tiếp nhận Công văn Số: 98/SVHTTDL-QLTTDL, ngày 15/01/2024 của Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận, về việc cung cấp thông tin điểm đến đẹp, đặc sắc tại địa phương để tích hợp vào Ứng dụng Map 3D/360 TPHCM phục vụ  chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025); Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm cung cấp thông tin một số điểm đến đẹp, đặc sắc tại địa phương liên quan đến di sản văn hóa Chăm như sau:  

1. Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm

Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm được thành lập ngày 19/01/1993, tọa lạc tại Trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, số 28 đường Tô Hiệu. Với diện tích gần 14.000m2, bao quanh là nhiều cây xanh bóng mát, nơi đậu, đỗ được nhiều loại phương tiện đi lại.

Đây là đơn vị đặc thù riêng biệt trong hệ thống các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận nói riêng và hệ thống các cơ quan nhà nước nói chung, bởi đây là cơ quan đơn nhất, có chức năng nghiên cứu và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm trong nền văn hóa Việt Nam đa dạng và thống nhất. Kể từ năm 2016 đến nay Trung tâm trở thành điểm đến đẹp, đặc sắc của tỉnh Ninh Thuận.

Tại Trung tâm hiện nay đang lưu giữ, trưng bày theo lối dân tộc học trên 1.500 hiện vật. Trong đó có nhiều hiện vật, cổ vật gốc, giới thiệu khái quát toàn bộ di sản văn hóa Chăm ở Ninh Thuận về:

- Lễ hội: Bao gồm các hình ảnh, hiện vật, cổ vật, đồ dùng, trang phục, trang sức, nhạc cụ, mô hình nhà ở… của người Chăm theo tôn giáo Bàlamôn, Hồi giáo Bàni và Islam.

- Hình ảnh toàn bộ các đền tháp Chăm ở Ninh Thuận và các tỉnh khác, từ Huế vào Duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên.

- Sản phẩm các làng nghề truyền thống: Thuốc Nam, Gốm Bàu Trúc, Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và quy trình tạo ra sản phẩm.

- Đặc biệt là trưng bày bộ sưu tập gốm cổ Chăm tráng men, vừa cổ, vừa quý ở đây. Số lượng rất nhiều về ché rượu cần, bình, đĩa, chén, tô, ấm, hủ… làm thủ công rất tinh xảo  và không có cái nào giống cái nào. Qua đó, chúng ta thấy vai trò lưu giữ, mối liên hệ khăng khít giữa miền xuôi và miền ngược, giữa biển với rừng, giữa người Kinh với người Chăm và các dân tộc Tây Nguyên.

- Mô hình tượng thờ, một số hiện vật, bia ký tại các di tích Cấp tỉnh, di tích Quốc gia, di tích Quốc gia đặc biệt như: Tháp Pô Klong Girai (Po Kaong Girai), Hòa Lai, Pô Rômê (Po Ramé), Pô Inư Nưgar (Po Inâ Nâgar); Hòn Đỏ…

- Ngoài ra tại Trung tâm còn có Phòng đọc hơn 1.400 bản sách, tư liệu thư tịch Chăm cổ, chuyên khảo phục vụ công tác nghiên cứu.

- Tại Trung tâm cũng có các dịch vụ biểu diễn nghệ thuật ca, múa, nhạc dân gian, ẩm thực truyền thống và các nghề thủ công của người Chăm nếu du khách yêu cầu. (Ảnh 1 và 2)

2. Di tích Quốc gia đặc biệt tháp Pô Klong Girai (Po Kaong Girai)

Quần thể tháp này còn có tên gọi khác là tháp Bửu Sơn, Sử ký Trung Hoa gọi là Bà Khắc Lượng Gia Lai! Di tích quốc gia đặc biệt năm 2016.

Về niên đại xây dựng tháp Pô Klong Girai, hiện vẫn chưa có sự thống nhất:

- Nhóm thứ 1 dựa vào truyền thuyết cho rằng, vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân trị vì 1293-1318) xây để thờ vua Pô Klong Girai.

- Nhóm thứ 2 dựa vào kiến trúc và bối cảnh xã hội thì tháp xây dựng dưới triều vua Jaya Simhavarman IV (Chế Anan trị vì 1318 - 1342).

Đặc biệt, bia ký bằng đá 3 mặt khắc chữ Phạn cổ ở phía Đông Bắc tháp chính có niên đại thế kỷ XI (1050). Đây là bia ký của hai hoàng thân - hai em trai của vua Jaya Paramesvarman I. Nội dung của bia ký nói về việc hai vị hoàng thân tên là Yuvaraja và Devaraja, sau chiến thắng trong việc đàn áp cuộc nổi dậy của người dân Panduranga, đã cho dựng một linga và một cột chiến thắng.

Pô Klong Girai là vị vua trị vì 54 năm (từ 1163-1217), đã có nhiều công lao đối với dân tộc Chăm trong việc chống giặc và tổ chức khai mương, đắp đập thủy lợi Nha Trinh làm cho đồng ruộng tươi tốt…và với nhiều truyền thuyết, huyền sử vô cùng hấp dẫn về vị vua này.

Tháp Pô Klong Girai, hiện nay dưới sự chủ trì của một vị Cả sư, hàng năm diễn ra nhiều lễ hội tôn giáo - tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm, làm cho ngôi tháp “Sống lại” với thời gian và không gian. Đây là nơi thu hút du khách tham quan nhiều nhất trong các điểm đến. Hấp dẫn và nổi bật nhất, được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng người Chăm và du khách trong ngày lễ hội Katê (Katé) được tổ chức vào đầu tháng 7 Chăm lịch (khoảng tháng 10 Dương lịch). Từ đền tháp này, lễ hội Katê lan tỏa về các cộng đồng làng, các dòng họ, gia đình của người Chăm theo đạo Bàlamôn. Quý khách có thể tham gia lễ hội Katê để trãi nghiệm sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc này.

Đối với di sản văn hóa của người Chăm, kiến trúc tháp Pô Klong Girai được xếp vào phong cách muộn, sau phong cách Bình Định. Nhưng đây cũng là nhóm đền - tháp được xây dựng hoàn chỉnh, cuối cùng trong tổng thể các kiến trúc tháp Chăm. Qua đó cho thấy, sự tồn tại của kiến trúc tháp đã góp phần vào sự đa dạng của phong cách kiến trúc tháp Chăm, một nền kiến trúc đã phát triển đến đỉnh cao từ thời Trung đại, có sức lan tỏa mạnh và phát triển liên tục trong khoảng hơn 10 thế kỷ. Chất kết dính và kỹ thuật xây tháp này vẫn còn huyền bí. Đến nay, nhiều vấn đề liên quan tới kiến trúc này vẫn còn nằm trong “vùng mờ” nhận thức của nhà khoa học, do vậy cần được tiếp tục nghiên cứu và giải mã thêm. (Ảnh 3 và 4)

3. Di tích Quốc gia đặc biệt tháp Hòa Lai

Tháp xây dựng sát Quốc lộ 1A, trong vùng đồng bằng nhìn bao quanh 4 bề là núi, thuộc địa phận thôn Gò Sạn, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc. Quần thể tháp Hòa Lai, dân quanh vùng gọi là Ba Tháp, còn người Chăm thì gọi

Yang Karang (Thần che chở, bảo vệ, chống lại…). Xưa kia thuộc Xứ Bal Huh, Bal Lai, gắn với các địa danh hiện có như Đầm Nại, Đầm Vua, Mỹ Tường, Hòn Đỏ

Tháp Hòa Lai đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt về Kiến trúc nghệ thuật và giá trị Khảo cổ học năm 2016.

Hòa Lai là một quần thể đền thờ thần Siva và thần Visnu, vừa có chức năng phổ biến vừa có những đặc trưng riêng, đó là yếu tố Visnu rất nổi trội, trong đó:

- Cụm tháp Nam Hòa Lai thuộc giai đoạn chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn E1 với phong cách Hòa Lai, có niên đại từ đầu đến giữa thế kỷ VIII.

- Về cụm tháp Giữa được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ VIII, dưới triều đại Satyavarman (774 - 784). Về mặt phong cách nghệ thuật, tháp Giữa mới thực sự là đại diện tiêu biểu cho phong cách Hòa Lai.

- Về cụm phía Bắc của tháp Hòa Lai, dựa trên phế tích nền móng kiến trúc phụ trợ của cụm Bắc - xây đè lên đoạn tường ngăn cách tháp Giữa và tháp Bắc và từ góc độ kỹ thuật, cụm tháp Bắc đã được xây dựng sau cụm tháp Giữa (Khoảng đầu thế kỷ IX).

Tháp Giữa sụp đổ cũng vào nửa đầu thế kỷ XX, bởi tác động của tự nhiên và con người, nhất là sát cạnh con đường Quốc lộ và hơn 100 năm nay với nhiều phương tiện qua lại, di tích đã tổn thương thì không thể đứng vững nổi. Tuy nhiên dưới đóng đổ nát Tháp Giữa là cả một kho tàng cổ vật, hiện vật, lịch sử, minh văn đặc sắc, hấp dẫn đã làm nên một phong cách kiến trúc tháp Chăm - phong cách Hòa Lai.

Khu vực quần thể di tích Hòa Lai rất rộng lớn, từ trung tâm tháp ra các hướng khoảng từ 400-500m, chứ không phải bao quanh bởi những tường rào như hiện nay. Qua nhiều đợt khai quật khảo cổ đã phát hiện trên 500 hiện vật có giá trị, hiện đang được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, trong đó Bia ký Hòa Lai là Bảo vật Quốc gia.

Văn bia Hòa Lai có viết: "Trong điện thờ chính của Sri Svayamutpannesvara, đức vua Sri Satyavarman (Tát Đa Bạt Ma) đã lập giáo đường Bàlamôn mà vẻ đẹp, duyên dáng đa dạng của các thiếu nữ thể hiện trên các hoa văn thật tinh tế, với các đồ vật hầu hết là thu được từ đồng ruộng, trâu, bò của các gia đình tỳ nam, tín nữ" … “Đức vua cũng đã đặt cho Sri Vrddhesvara một hộp đựng/vỏ bọc Linga làm bằng bạc với khuôn mặt bằng vàng".

Về mặt lịch sử, nhóm tháp Hòa Lai hội đủ những yếu tố liên quan đến nhân vật và sự kiện lịch sử. Về mặt văn hóa, nhóm tháp Hòa Lai cho thấy dấu ấn của văn hóa Ấn Độ,  nghệ thuật Khmer và Java. Tuy nhiên, các tháp Hòa Lai cũng cho thấy một số giá trị riêng, đặc trưng và dấu ấn riêng đã Chăm hóa các nền văn hóa thành văn hóa của người Chăm. Các tháp Hòa Lai có vai trò quan trọng, làm nền tảng hình thành một số đặc điểm kiến trúc tháp Chăm giai đoạn sau, ví dụ như việc kế thừa bố cục và trang trí vòm cửa, cột ốp Hòa Lai trên các tháp ở Po Dam và Đồng Dương. Bên cạnh đó, các tháp Hòa Lai cũng có những đặc điểm riêng, không giống với bất cứ một tháp Chăm nào khác. Đó là, dạng cột ốp thót chân, tạo cho ô khám giữa hai cột kế tiếp nhau có dạng hình thang cân. (Ảnh 5 và 6)

4. Tháp Pô Rômê (Po Ramé)

Tháp Pô Rômê, nơi thờ vị vua Chăm có nhiều công lao đối với sự nghiệp phát triển, gắn kết tôn giáo; Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp đã xây dựng công trình thủy lợi với những con mương dẫn nước dài hàng chục km qua các đập dâng nước trên Sông Lu mà hiện nay vẫn còn sử dụng. Do có nhiều công lao như vậy, khi ông mất dân Chăm xây tháp thờ cúng và xem ông như một vị thần. Bức tượng thờ trong tháp chính đã nói lên rằng ông là Nhân thần và Thần Siva được hòa làm một. Niên đại của tháp được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ XVII. Tượng thờ Pô Rômê  là Bảo vật Quốc gia.

Vị vua Pô Rômê, lịch sử Trung Hoa và Việt Nam ghi chép là Bà Lâm, trị vì vương quốc từ năm 1627 đến 1651. Năm 1631, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái (công nữ) Ngọc Khoa cho vua Chăm. Pô Rômê có 3 hoàng hậu chính: Hoàng hậu Bia Thanh Chan (người Eđê);  Hoàng hậu Bia Thanh Chik (người Chăm theo đạo Bàni) và Hoàng hậu Ngọc Khoa (người Việt).

Các cuộc hôn phối này làm cho quan hệ Việt - Chăm diễn ra tốt đẹp, quan hệ được mở rộng với các dân tộc Tây Nguyên, giải quyết mối bất đồng tôn giáo giữa Bàlamôn và Bàni lúc đó.

Tháp Pô Rômê, về kỹ thuật xây dựng khá thô và nghèo nàn so với các tháp Chăm khác hiện còn. Nếu xét theo loại hình kiến trúc thì tháp Pô Rômê là ngôi tháp cuối cùng bằng gạch của người Chăm và cũng là ngôi tháp lớn cuối cùng của vương quốc Chăm.

Dù muộn, nhưng nghệ thuật điêu khắc các tượng Chăm ở đây vẫn đạt một trình độ mỹ thuật khác cao. Trên mi cửa tháp chính, từng có bức tượng Siva tuyệt đẹp hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng như tại tháp Po Klaong Girai, hiện nay dưới sự chủ trì của Cả sư, hàng năm diễn ra nhiều lễ hội tôn giáo - tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm, làm cho ngôi tháp “Sống lại” với thời gian và không gian. Đây là nơi thu hút du khách tham quan rất nhiều trong các điểm đến. Hấp dẫn và nổi bật nhất, được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng người Chăm và du khách trong ngày lễ hội Katê được tổ chức vào đầu tháng 7 Chăm lịch (khoảng tháng 10 Dương lịch). Từ đền tháp này, Katê lan tỏa về các cộng đồng làng, các dòng họ, gia đình của người Chăm theo đạo Bàlamôn. Trong đó chủ yếu các làng Hậu Sanh, Vụ Bổn, Tân Bổn, Chung Mỹ, Mỹ Nghiệp và Hiếu Thiện. Ngoài ra còn có nhiều gia đình trong và ngoài tỉnh cũng tới đây cầu an cho mình. (Ảnh 7 và 8)

 5. Khu du lịch sinh thái Hòn Đỏ

Khu du lịch sinh thái Hòn Đỏ, thuộc thôn Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tại đây có di chỉ khảo cổ học, di tích đang thực hành lễ hội của người Chăm và là huyệt đạo thứ 3 của Quốc gia.

- Di chỉ Khảo cổ học Hòn Đỏ, được phát hiện từ năm 1972 và khai quật năm 1979.

Tầng văn hóa ở Hòn Đỏ, gồm 3 lớp: lớp dưới, là nơi cư trú của cư dân hậu kỳ đá mới; lớp giữa và lớp trên, là nơi cư trú và mộ táng thuộc văn hoá khảo cổ học Sa Huỳnh. Hiện vật thu được kể cả theo địa tầng và trên mặt đất, gồm có đồ đá: rìu, cuốc, dao găm, mũi nhọn, vòng đá, hoa tai, bàn mài; đồ sắt có dao găm; đồ gốm có nhiều loại. Phía Tây Hòn Đỏ, sát với biển Mỹ Hiệp còn có một giếng nước ngọt cổ Chăm (1994 vẫn còn), nay bị cát vùi lấp và xung quanh là các mảnh gốm vỡ thuộc dòng gốm tráng men của nhà Minh, Việt và Chăm. Đây là dấu ấn của một cảng biển xưa.

- Hòn Đỏ là nơi diễn ra một phần Tập quán xã hội và tín ngưỡng của làng Chăm Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc.

 Trong quá trình lập làng, lập ấp, qua những cuộc di cư, chuyển dời nghi lễ của làng, của cộng đồng Chăm Bỉnh Nghĩa cũng có nhiều dị biệt. Làng Bỉnh Nghĩa hình thành từ lâu đời, từ kết quả của các cuộc di cư, chuyển dời làng, lập ấp, lại ở địa thế xa xôi, cách biệt so với các làng Chăm khác trong tỉnh nên cũng có nhiều điểm khác biệt. Lễ cúng Po Bin Thuer (Chế Bồng Nga) tổ chức tại thôn Mỹ Tường, xã Nhơn Hải; Lễ cúng Po Bia Chuai (Bà Đỏ) tổ chức tại thôn Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải; Lễ cúng Paralao kasah tổ chức thôn Mỹ Tân, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải.

Tập quán xã hội và tín ngưỡng của làng Chăm Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc diễn ra vào đầu tháng Giêng Chăm lịch, khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5 Dương lịch và đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia năm 2022.

- Vị trí Hòn Đỏ là huyệt đạo thứ ba của Quốc gia, việc dựng bia Hòn Đỏ không phải để thờ cúng, mà là bia Tuyên ngôn về chủ quyền và dùng trấn giữ biển Đông. Bia thứ nhất đã dựng tại đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; Bia thứ hai đã dựng tại Đồn Biên phòng Pha Nông, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là tài sản chung của Quốc gia, Sở VHTTDL được giao trách nhiệm liên hệ xây dựng và phối hợp với địa phương quản lý bia này. Trên bia có hình Quốc huy CHXHCN Việt Nam và có nội dung:

1. Nam quốc kỷ quyền: Đất nước Việt Nam là đất nước có chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm.

2. Dành định sắc phong: Việt Nam đã nhận được sắc phong về việc này.

3. Thái hòa can tệ: Việt Nam sẽ nhận được nền hòa bình tốt đẹp.

4. Dậu rành Nam Quốc: Việt Nam có đường biên giới rõ ràng.

Bia được khánh thành nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30/4/2015.

- Du lịch sinh thái: Không gian cảnh quan Hòn Đỏ trước 1994, hoang vu, chủ yếu cây dứa dại, cỏ chông bay, vài cây phi lao già cỗi và một vùng cát đỏ mênh mông thơ mộng. Nền tảng của Hòn Đỏ được xem như một một bán đảo san hô cổ, đen sì như các đảo nhỏ lân cận. Nhưng gió đã đưa cát đỏ trong đất lền để nâng cao Hòn Đỏ.

Những phiến đá san hô cổ ở đây, tạo một sự liên tưởng về con người và động vật khi hoàng hôn buôn xuống, tạo cho chúng ta một cảm giác mạnh, bí ẩn. Tại đây có thể cắm trại, tùy theo mùa gió Nam hoặc gió Bắc. Mùa gió Bắc quý khách có thể chiêm ngưỡng những con sống lớn đổ vào bờ san hô phía Đông. Nhưng cũng có lúc trời êm chúng ta có thể xuống gần biển để ngắm nhìn “Thành phố Phan Rang” được tạo bởi đèn của thuyền câu mực, câu cá về đêm. Cũng có thể câu cá, thả diều hay ngắm cảnh xanh trong của trời và cây cỏ nở hoa thật thú vị.

Quý khách có thể chọn, giữa tháng 4 đầu tháng 5 Dương lịch để đến đây du ngoạn. Vừa được thưởng thức thú vui câu cá, thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên, và lên viếng đền thờ Bà Đỏ mùa lễ hội, xem bia ký 4 mặt bằng chữ Phạn (1050)… Đi khám phá xung quanh và tuyến phòng thủ, chắc chắc sẽ gây ấn tượng mạnh cho quý khách, khi về nhà sẽ không thể nào quên. (Ảnh 9 và 10)

Trên đây là nội dung thông tin của 5 điểm đến đẹp, đặc sắc tại địa phương liên quan đến di sản văn hóa Chăm, đã có các tài liệu dẫn nguồn đáng tin cậy, Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm kính gửi Sở VHTTDL và phòng Quản lý Thể thao và Du lịch./.

Lê Xuân Lợi

Hình ảnh minh họa

Description: IMG_6920.JPG

Ảnh 1. Cắt băng khai mạc triển lãm chuyên đề gốm Chăm xưa và nay; Giới thiệu bộ sưu tập của nhà Sưu tầm Thái Hùng Lâm.

 Description: loii.jpg

 Ảnh 2. Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm: điểm đến tham quan và nghiên cứu.

 Description: P1120074.JPG

3 và 4.  Quần thể tháp Po Klaong Girai trong Lễ hội Your Yang năm 2018

Description: P1120086.JPG

 5. Tháp Giữa những ngày cuối khảo cổ 2/2014, phía xa là Tháp Bắc

Description: P1130706.JPG

 6. Hiện trạng khu di tích Tháp Hòa Lai

Description: IMG20181010155134.jpg

7. Tháp Po Ramé

Description: IMG_9549.jpg

 8. Tượng Po Ramé (Bảo vật Quốc gia 2020)

Description: P1200009.JPG

9. Tập quán xã hội và tín ngưỡng của làng Chăm Bỉnh Nghĩa tại Hòn Đỏ

Description: 13.JPG

 10 Lễ cầu đảo tại Cửa Ngâm

Description: 17.JPG



Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 39
  • Trong tuần: 829
  • Tất cả: 65459

 TRANG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VĂN HÓA CHĂM

Địa chỉ : 28 Đường Tô Hiệu, Phường Tấn Tài, TP. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận. 
Điện thoại : 0259 3822723  - 02593504099       Email : ttncvhc@ninhthuan.gov.vn.
Ghi rõ nguồn ttncvhc.ninhthuan.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Website này.