Nội dung thuyết minh cơ bản điểm đến tham quan và nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm
Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Chăm, xin kính
chào quý khách đã đến tham quan và nghiên cứu!
Kính thưa quý khách!
Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Văn
hóa Chăm được thành lập ngày 19/01/1993. Sau được đổi thành Trung tâm
nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận.
Trước đó có tên gọi là Trung tâm văn hóa Chàm,
do Cha cố Mussey người Pháp thành lập năm 1969 (trước mặt Trung tâm hiện còn
tên của ông - Mương ông Cố). Sau năm 1975 là Trường Trung cấp văn hóa nghệ
thuật tỉnh Thuận Hải, đào tạo cho rất nhiều nghệ sỹ trong tỉnh và các tỉnh lân
cận.
Là đơn vị mang tính đặc thù riêng biệt
trong hệ thống các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận
nói riêng và hệ thống các cơ quan nhà nước nói chung, bởi đây là cơ quan
đơn nhất chuyên làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về văn
hóa Chăm trên cả nước.
Với những ngày đầu đầy khó khăn, thiếu
thốn về cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị cho đến con người, đến nay
Trung tâm đã có một cơ ngơi tương đối khang trang dù chưa hoàn thiện về nội
thất và trang thiết bị bên trong. Nhưng Trung tâm đã có một đội ngũ cán
bộ chuyên môn khá vững vàng, được đào tạo bồi dưỡng nâng cao
trình độ các mặt theo yêu cầu tiêu chuẩn chức danh và yêu cầu phục vụ nhiệm
vụ nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, trưng bày, phổ biến, bảo tồn về văn hóa
Chăm và một số dân tộc có nền văn hóa gần gửi với Văn hóa Chăm.
Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã
tiến hành khảo sát, nghiên cứu nhiều chuyên đề về văn hóa Chăm, sưu tầm, phục
chế trên 1.500 hiện vật. Trong đó có nhiều hiện vật gốc đưa vào
trưng bày giới thiệu tại chỗ; Phòng đọc hơn 1.400 bản sách, tư liệu
chuyên khảo phục vụ công tác nghiên cứu. Hàng trăm tư liệu thô đang lưu trữ về
văn hóa Chăm trong tỉnh và các tỉnh. Trung tâm cũng tổ chức và phối hợp tổ chức
trưng bày, triển lãm chuyên đề, lưu động nhiều cuộc phục vụ những ngày lễ, kỷ
niệm, ngày hội văn hóa Chăm, văn hóa các dân tộc ở trong và ngoài tỉnh do Trung
ương, địa phương tổ chức.
Kể từ năm 2016 đến nay Trung tâm tiến
hành xây dựng điểm đến tham quan và nghiên cứu theo chủ trương của tỉnh.
* Tại không gian tầng trệt: Chúng
tôi xin giới thiệu khái quát
toàn bộ về di sản văn hóa Chăm ở Ninh Thuận đang trưng bày theo lối dân tộc học:
- Các cổ vật, hiện vật, hình ảnh và mô hình
tiêu biểu về văn hóa Chăm được trưng bày một cách logic và khoa học, dễ nhớ, dễ
hình dung giữa văn hóa vật thể và phi vật thể của người Chăm Ninh Thuận. Các
làng nghề truyền thống: Thuốc Nam, Gốm và Dệt có mối quan hệ khắng khít với
nhau; Tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt hàng ngày; Đời sống tâm linh,
tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán của người Chăm… Đặc biệt là quan niệm:
nhân sinh quan, thế giới quan thông qua các biểu tượng, trang phục, nhạc cụ, chữ
viết, lễ hội… của người Chăm đã tồn tại hàng ngàn năm qua.
* Mời quý khách lên tham quan triển lãm
tại tầng 1:
Kính thưa quý
khách!
Nếu quý khách
có nhu cầu chúng tôi sẽ giới thiệu
chuyên sâu toàn bộ các đền tháp Chăm ở Ninh Thuận và các tỉnh khác, từ Huế vào
Duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên theo hình ảnh treo trên tường.
Tại không gian tầng 1, chia làm hai phòng.
Phòng ngoài, chúng ta đang đứng đây mở cửa thường xuyên, kể cả ngày nghỉ nếu du
khách yêu cầu; Còn phòng trong chúng tôi chỉ mở cửa và ngày thứ Tư hàng tuần,
mong quý khách lưu ý!
Trong Quý khách sẽ có người bất ngờ khi xem bộ
sưu tập gốm cổ Chăm ở đây. Chúng ta gặp những cái ché (ghè rượu) vừa cổ vừa
quý; Các bình, đĩa, chén, tô, ấm, hủ… lại thấy vai trò lưu giữ của người Tây
Nguyên quan trọng đến mức nào. Lại không có cái nào giống cái nào!
Chúng ta thấy
có một mối liên hệ khăng khít giữa người Tây Nguyên và người Kinh, người Chăm
từ nhiều thế kỷ trước. Và
mới thấy, có một sự liên quan mật thiết giữa miền xuôi và miền ngược, giữa biển
với rừng, giữa Kinh, Chăm và các dân tộc Tây Nguyên. Mới thấy thấm hơn câu ca
dao “Ai về nhắn với nậu nguồn/Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên”...
(Quý khách có thể đặt câu hỏi, chúng tôi sẽ
trả lời vào cuối buổi tham quan).
* Trước khi tham quan khu trưng bày
ngoài trời; Chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về Thang Sah bên trong thờ Po Klaong
Girai bằng biểu tượng Mukhalinga, phía dưới có bầu sữa và Linga Yoni tại tháp
Hòa Lai mà khi đến các di tích này chúng ta không còn thấy được. Đây là hai di
tích Quốc gia Đặc biệt được Thủ tướng chính phủ ký Quyết định công nhận năm
2016.
* Khu trưng bày ngoài trời:
Đây là khu
tượng Kút của người Chăm theo đạo Bàlamôn. Kút gắn liền với tang lễ, lễ nghi
vòng đời, gắn với đời một con người từ khi sinh ra cho đến khi được nhập Kút.
Quý khách cùng xem Bia ký Chăm ở Hòn Đỏ (TK.VIII-IX), một điểm đến Du lịch sinh
thái, du lịch khảo cổ học đồng thời là nơi du lịch tâm linh trong mùa lễ hội
đầu năm của làng Chăm Bỉnh Nghĩa. Bên này là Bia ký tháp Hòa Lai cùng niên đại
với Bia ký Hòn Đỏ. Hiện vật gốc đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh và được lập hồ
sơ công nhận Bảo vật quốc gia. Bên cạnh là bệ đá thờ tại đền Po Inư Nưgar (Mông
Đức, Phước Hữu), có niên đại thế kỷ XVII. Sau đó đền thờ này bị sập và được
chuyển về Hữu Đức như hiện nay.
Trước khi tạm
biệt quý khách, chúng tôi giới thiệu mô hình các công đoạn làm gốm Bàu Trúc…
Nghệ thuật làm gốm Chăm hiện đã lập hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh mục Di sản
văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Quý khách
có thể đến Bàu Trúc chỉ cách đây 10km.
Kính thưa Quý
khách! Trung tâm NCVH Chăm rất hân hạnh được giới thiệu các sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận theo yêu
cầu. Chúng tôi còn có các dịch vụ: biểu diễn ca, múa nhạc dân gian Chăm; biểu
diễn nghề thủ công truyền thống và món ăn tiêu biểu của người Chăm, xin liên hệ
số điện thoại 02593.504099.
Chúng
tôi luôn tạo ra không gian mát mẻ, sạch sẽ có chỗ đậu nhiều xe cùng một lúc, có
cây xanh, cây thế, có đội ngũ nhân viên năng động nhiệt tình…
Xin hẹn
gặp lại quý vị một ngày gần nhất! Cảm ơn!