Thuyết minh ngắn về Tháp Hòa Lai
Về cụm tháp Giữa được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ VIII, dưới triều đại Satyavarman (774 - 784). Về mặt phong cách nghệ thuật, tháp Giữa mới thực sự là đại diện tiêu biểu cho phong cách Hòa Lai.

Kính thưa quý khách!

Quý khách đang đứng trong vùng đồng bằng bao quanh 4 bề là núi, thuộc địa phận thôn Gò Sạn, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Đây là quần thể tháp Hòa Lai, dân quanh vùng gọi là Ba Tháp, còn người Chăm thì gọi Yang Karang (Thần che chở, bảo vệ, chống lại…) Xưa kia thuộc Xứ Bal Huh, Bal Lai, gắn với các địa danh hiện có như Đầm Nại, Đầm Vua, Mỹ Tường, Hòn Đỏ…

Tháp Hòa Lai đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt về Kiến trúc nghệ thuật và giá trị Khảo cổ học năm 2016.

Về chủ nhân xây dựng đối tượng thờ và niên đại tháp Hòa Lai, trước dây có  nhiều ý kiến khác nhau, nhưng qua khai quật khảo cổ và đối chiếu với bia kí tại đây đã đi đến thống nhất: Chủ nhân của tháp này chính là người Chăm; Hòa Lai là một quần thể đền thờ/thánh đường thờ thần Siva và thần Visnu, vừa có chức năng phổ biến vừa có những đặc trưng riêng, đó là yếu tố Visnu rất nổi trội;

- Cụm tháp Nam Hòa Lai thuộc giai đoạn chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn E1 với phong cách Hòa Lai, có niên đại từ đầu đến giữa thế kỷ VIII.

- Về cụm tháp Giữa được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ VIII, dưới triều đại Satyavarman (774 - 784). Về mặt phong cách nghệ thuật, tháp Giữa mới thực sự là đại diện tiêu biểu cho phong cách Hòa Lai.

- Về cụm phía Bắc của tháp Hòa Lai, dựa trên phế tích nền móng kiến trúc phụ trợ của cụm Bắc - xây đè lên đoạn tường ngăn cách tháp Giữa và tháp Bắc và từ góc độ kỹ thuật, cụm tháp Bắc đã được xây dựng sau cụm tháp Giữa (Khoảng đầu thế kỷ IX).

Tháp Giữa sụp đổ cũng vào nửa đầu thế kỷ XX, bởi tác động của tự nhiên và con người, nhất là sát cạnh con đường cả trăm năm nay phương tiện qua lại, di tích đã bị thương thì không chịu nổi. Tuy nhiên dưới đóng đổ nát Tháp Giữa là cả một kho tàng cổ vật, hiện vật, lịch sử, minh văn đặc sắc, hấp dẫn đã làm nên một phong cách kiến trúc tháp Chăm - phong cách Hòa Lai.

Văn bia Hòa Lai có viết: "Trong điện thờ chính của Sri Svayamutpannesvara, đức vua Sri Satyavarman (Tát Đa Bạt Ma) đã lập giáo đường Bàlamôn mà vẻ đẹp, duyên dáng đa dạng của các thiếu nữ thể hiện trên các hoa văn thật tinh tế, với các đồ vật hầu hết là thu được từ đồng ruộng, trâu, bò của các gia đình tỳ nam, tín nữ" … “Đức vua cũng đã đặt cho Sri Vrddhesvara một hộp đựng/vỏ bọc Linga làm bằng bạc với khuôn mặt bằng vàng".

Từ nửa cuối thế kỷ IX trở đi, vùng Panduranga với tư cách là một xứ phiên thuộc, đã cùng Chămpa bước vào một thời kỳ đầy sôi động, bởi những sự kiện liên quan đến chiến tranh. Từ việc dẹp yên sự nổi loạn của cư dân Panduranga và dựng linga chiến thắng vào năm 1050 tại tháp Po Laong Girai và Bia ký Hòn Đỏ, đến chiến tranh với người Khơme, người Java… di tích này từng đốt cháy, cướp bóc hiện vật quý hiếm. Sau 1975, sự đào bới cổ vật vẫn diễn ra, họ đã nấu chảy hiện vật phân kim thành đồ trang sức, đã bị chính quyền xử lý và số trang sức này vẫn còn gửi tại kho bạc Nhà nước… chuyện này còn nhiều kỳ thú kính thưa quý khách!

Khu vực quần thể di tích Hòa Lai rất rộng lớn mở rộng từ trung tâm tháp ra các hướng phải từ 400-500m, chứ không phải bao quanh bởi những tường rào này. Qua nhiều đợt khai quật khảo cổ đã phát hiện trên 500 hiện vật có giá tri, hiện đang được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Về mặt lịch sử, nhóm tháp Hòa Lai hội đủ những yếu tố liên quan đến nhân vật và sự kiện lịch sử. Thông qua nội dung bia Hòa Lai, có thể nhận thấy địa điểm này vào thời gian trước, cuối thế kỷ VIII đã là một thánh đường khá quan trọng của người Chăm, đã có những tháp được xây dựng. Sau đó, bằng việc vua Satyavarman cho xây dựng thêm những công trình mới, cung tiến Kosa bằng bạc, mạ vàng,... đã cho thấy, địa điểm này tiếp tục được diễn ra hoạt động tôn giáo, không bị ngắt quãng qua những giai đoạn lịch sử khác nhau.

Về mặt văn hóa, nhóm tháp Hòa Lai cho thấy dấu ấn của văn hóa Ấn Độ,  nghệ thuật Khmer và Java. Tuy nhiên, các tháp Hòa Lai cũng cho thấy một số giá trị riêng, đặc trưng và dấu ấn riêng đã Chăm hóa các nền văn hóa để trở thành vh của người Chăm. Các tháp Hòa Lai có vai trò quan trọng, làm nền tảng hình thành một số đặc điểm kiến trúc tháp Chăm giai đoạn sau Hòa Lai, ví dụ như việc kế thừa bố cục và trang trí vòm cửa, cột ốp Hòa Lai trên các tháp ở Po Dam và Đồng Dương.

Bên cạnh đó, các tháp Hòa Lai cũng có những đặc điểm riêng, không giống với bất cứ một tháp Chăm nào khác. Đó là, dạng cột ốp thót chân, tạo cho ô khám giữa hai cột kế tiếp nhau có dạng hình thang cân, gợi lại hình ảnh "thượng thu hạ thách" trong kiến trúc dân gian của một số dân tộc ở Đông Nam Á đương thời. Và đó là, họa tiết trang trí hình lá móc, cũng không thấy xuất hiện trên bất cứ tháp Chăm nào khác, gợi nên một hướng tiếp cận cho các nhà khoa học, nghiên cứu xuất xứ và ý nghĩa văn hóa của những họa tiết này.

Tháp Nam và tháp Bắc đã được trùng tu gần như hoàn thiện, dù còn không ít những lỗi kỹ thuật cần phải sửa chữa, khắc phục, nhưng điều có thể nhận thấy được là những ngọn tháp đã có được một hình hài ổn định nếu so với những vệt loang lỗ tàn phá của thời gian vào những thập niên trước.

Nhưng nếu Hòa Lai cũng chỉ có chừng ấy thì việc du khách đến đây chụp vài kiểu ảnh rồi đi là điều dễ hiểu và như vậy thì chính quyền địa phương, cơ quan văn hóa tỉnh nhà lại phải tiếp tục tìm nguồn vốn, tiếp tục bảo tồn mà không thể khai thác và phát huy giá trị.

 Có thể nói kết cấu của khu di tích này sau cuộc khai quật năm 2012-2014 đã trả lại giá trị nguyên gốc cho di tích và làm bất ngờ nhiều nhà khoa học và những ai quan tâm đến nó. Rõ ràng, những cuộc khai quật khảo cổ học đã làm xuất lộ rất nhiều kiến trúc, nên không gian quy hoạch dành cho khu di tích hiện nay là không thể gói trọn được không gian kiến trúc của nó. Và nếu cứ giữ không gian này sau những gì mà khảo cổ làm xuất lộ thì Hòa Lai như phải mặc một chiếc áo quá hẹp cho chính nó, do đó nhiệm vụ của của ngành chức năng cũng phải trả lại không gian vốn có của nó dù không trọn vẹn như xưa kia. Do đó, cần có một không gian rộng hơn để có thể hoạch định được công tác bảo tồn và đặc biệt là phát huy giá trị khu di tích sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn.

Chúng tôi, đang đẩy mạnh công tác giới thiệu, tuyên truyền về giá trị các mặt của di tích bằng những hình thức phù hợp, qua đó năng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di tích trong cộng đồng. (Quý khách có thể tìm hiểu thêm tư liệu tại Bảo tàng tỉnh và Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm).

Hy vọng lần sau ghé thăm khu Di tích này quý khách sẽ hài lòng hơn!

Lê Xuân Lợi




Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 72
  • Trong tuần: 435
  • Tất cả: 74421

 TRANG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VĂN HÓA CHĂM

Địa chỉ : 28 Đường Tô Hiệu, Phường Tấn Tài, TP. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận. 
Điện thoại : 0259 3822723  - 02593504099       Email : ttncvhc@ninhthuan.gov.vn.
Ghi rõ nguồn ttncvhc.ninhthuan.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Website này.