Làng
Thành Tín tiếng Chăm gọi là “Palei cuah patih”, là một trong
những làng Chăm lâu đời sinh sống ven biển ở Ninh Thuận, nơi đây được ví như
tiểu vùng sa mạc, khí hậu
khắc nghiệt. Thế nhưng, nhờ vào hai giếng cổ có từ hàng trăm năm trước đã
nuôi sống dân làng, vật nuôi và cây trồng.
Giếng cổ nằm ở phía Đông của làng,
hai cái giếng cách nhau chừng 10m. Người dân địa phương đặt tên cho hai cái
giếng là Bingun likei (giếng đực), bingun kamei (giếng cái) hay bingun angaok
(giếng trên), bingun yok (giếng dưới). Giếng có đặt điểm thành giếng hình vuông,
mỗi cạnh khoảng 2m đóng bằng tấm ván làm từ cây gỗ cóc
(Gandak), giếng không sâu chỉ khoảng 1m, phần
móng
được xếp bằng những phiến đá, khi nước mạch dâng lên sẽ trào ra ngoài dẫn vào con
mương nhỏ ra đồng ruộng.
Theo
ông Kiều Văn Trài (72 tuổi) ở thôn Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước
cho biết: mạch nước của hai giếng cổ luôn
ổn định và tràn đầy quanh năm, không hề bị cạn kể cả vào mùa khô hạn. Nước giếng sạch, mát dùng để uống,
sinh hoạt và sử dụng cho các nghi lễ của cộng đồng. Nước tràn ra ngoài theo con
mương để gia súc uống và tưới tiêu cho cây trồng, ruộng, vườn trong khu vực. Theo
lễ tục làng, phụ nữ sử dụng nguồn nước từ giếng cái, đàn ông sử dụng nguồn nước
từ giếng đực, quy định này đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân.
Giếng
Chăm cổ ở làng Thành Tín là nguồn cung cấp nước không những nuôi sống cộng đồng
mà còn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền cần có sự quan tâm, có biện pháp bảo
vệ nguồn nước ngọt quý hiếm trên vùng đất khô hạn như Ninh Thuận.
Ngày nay, sự biến đổi khí hậu làm cho nguồn nước từ các sông, hồ, ao đang cạn
kiệt dần thì mạch nước ngầm của giếng cổ làng Chăm Thành Tín là nguồn tài
nguyên vô cùng quý hiếm. Bảo vệ nguồn nước như chính bảo vệ sự sống của con người,
động vật và thảm thực vật. Qua đó, góp
phần bảo tồn và phát huy giá trị tri thức bản địa về cách thức ứng xử với nguồn
nước và môi trường sống của người Chăm./.
Châu Văn Huynh