Lễ hội Cambur là một trong bốn công lễ
lớn của người Chăm như Katê, Yuer Yang và Peh Bi-mbeng Yang. Nếu như lễ hội
Katê được tổ chức để tưởng niệm các vị nam thần thì lễ hội Cambur nhằm để tưởng
niệm các vị nữ thần. Lễ hội Cambur diễn ra hàng năm trên các đền tháp ở Ninh
Thuận. Riêng tại đền thờ Po Haniim Par ở khu phố Chăm, thị trấn Lạc Tánh, huyện
Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận có nhiều nét văn hoá độc đáo mang tính địa phương.
1.
Đền thờ Po Haniim Par
Lễ
hội Cambur diễn ra hằng năm tại ngôi đền Po Haniim Par ở Palei Pacam (khu phố
Chăm), thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận vào tháng 9 theo lịch
người Chăm địa phương. Ngôi đền Po Haniim Par được xây dựng mới từ năm 1968 trải
qua nhiều lần tu bổ, đến năm 2006 đã được kiên cố hóa giống như Miếu thờ của
người Việt. Kiến trúc ngôi đền gồm có một chính điện mang tên Bimong Po Haniim
Par nằm ở phía Tây có cửa ra vào mở ở hướng Đông, một nhà bếp (sang ging) nằm ở
phía Nam và một chuồng ngựa (sang athaih) nằm ở phía Bắc. Bên trong chính điện
có một gian phòng làm nơi đặt sắc phong do vua triều Nguyễn ban cho người Chăm.
Lễ hội Cambur diễn ra trong 3 ngày, sau khi ở làng cúng xong thì các gia đình tổ
chức cúng gia tiên.
2.
Lễ hội Cambur làng
Mở
đầu cho lễ hội Cambur làng là nghi thức tấu trình với Po Haniim Par (Anakhan Po
Haniim Par) về việc tổ chức thi đấu đá gà của người dân sẽ diễn ra vào sáng
ngày mai. Chủ lễ thực hiện nghi thức là ông Ka-ing với các vật lễ là: 5 miếng
trầu tem, 5 miếng cau, 2 con gà luộc, 1 xị rượu, 1 chén than lửa để đốt trầm và
thuốc lá. Nghi thức tấu trình được khép lại bằng tiết mục hát đối đáp (Adaoh
Kasa) giữa các ông Kadhar và Pajau. Sau khi việc
trình báo xong thì người dân mang gà đá đến đăng ký với Ban tổ chức để sắp xếp,
bắt cặp thứ tự lượt thi đấu.
Trước
khi bắt đầu khai hội đá gà dân làng thực hiện nghi thức đi mời cháu của Po Haniim
Par đến tham dự, chứng kiến hội đá gà ở trên núi cách ngôi đền
chừng 3km. Trong lúc này, các “võ sĩ gà” hội tụ tại sân thi đấu chuẩn bị cho cuộc
tranh thắng thua. Địa điểm tổ chức đá gà diễn ra tại sân khấu của Nhà văn hóa nằm
đối diện với ngôi đền Bimong Po Haniim Par. Sân thi đấu được rào lại 4 góc bằng
cách căng dây thừng. Điều khiển cuộc thi đá gà gồm có 2 Halau Balang (trọng tài
chính), có nhiệm vụ cầm cây gậy màu đỏ để thả gà vào sân và 2 trợ lí ngồi ở hai
góc có nhiệm vụ gắn thanh đao bằng sắt vào chân trái của gà đá. Theo thông lệ
thường niên, con gà vào đá trận đầu tiên là con gà của Po Bhum do người Raglai
mang đến thách đấu với gà của người dân địa phương. Bất cứ con gà nào thua trận
đều bị làm thịt để cúng, con gà thắng được phép mang về nhà. Trong trường hợp
gà đá bị thua hoặc sợ bỏ chạy không dám đá nữa thì ngây lập tức sẽ bị trọng tài
cầm gậy đập cho chết hoặc do chính chủ của gà đá sẽ vào sân đập chết trong tiếng
hò héc kêu đập phấn khích của khán giả. Ngày nay, cuộc thi đá gà không còn nhằm
đề giành quyền quản lý lịch pháp hay làm chủ đất đai nữa mà đơn thuần chỉ là
ngày hội vui của người dân.
Sau
hội đá gà, vào buổi chiều tiến hành nghi thức rước sắc phong. Từ ngôi đền
Bimong Po Haniim Par sắc phong được rước ra ngoài trời đặt trên sân khấu để tiến
hành việc dâng lễ và cúng kính. Các chức sắc và chức việc như ông Ka-ing, Maduen,
Kadhar, Pajau và Halau Balang tập trung ngoài
sân dưới bóng mát cây me làm nghi thức cúng rồi ăn nhẹ buổi chiều bằng cháo gà.
Kế tiếp, các chức sắc di chuyển đến ngôi đền làm nghi thức thỉnh mời thần linh
và tiến hành rước sắc phong. Ở bên ngoài, dàn nhạc gồm có trống, chiêng, cờ,
đang chờ sẵn để chuẩn bị rước sắc phong một cách long trọng. Người chủ lễ chính
trong buổi lễ vẫn là ông Ka-ing. Tuy nhiên, nghi thức rước sắc phong phải có sự
chứng giám của chức sắc Awal là Po Gru.
Đoàn
rước sắc phong ngoài các chức sắc và người dân còn có các thiếu nữ múa dẫn đường.
Họ mang áo truyền thống và đến lạy trước bàn sắc phong. Quan cảnh buổi đón, rước
sắc phong rất trang nghiêm có sự tham gia của hàng trăm người. Tuy rằng, đoạn
đường đi rước không quá 100m. Sắc phong mang ra khỏi chính điện không phải bằng
kiệu khiêng mà được đội trực tiếp trên đầu đi đến chỗ cúng lễ.
Người
dân mang lễ vật đến cúng, cầu xin những điều may mắn, cầu cho mưa thuận gió
hòa, mùa màng được tươi tốt và bội thu. Sau khi thực hiện nghi thức cúng xong,
các chức sắc dùng bữa tiệc nhẹ với rượu, trứng, bánh trái. Cuối cùng buổi lễ là
tiết mục tiết mục hát đối đáp Adaoh Kasa do các ông Kadhar và Pajau biểu diễn. Trong lần
hát này, người hát đứng thành hai hàng đối diện nhau hát đối qua đáp lại. Sau
khi hát xong, coi như buổi lễ Cambur của làng kết thúc. Sắc phong được rước trở
lại về vị trí cũ và bảo quản tại đền Bimong Po Haniim Par.
3.
Lễ hội Cambur gia đình
Khi lễ
Cambur của làng và hội đá gà tổ chức xong, thì lễ Cambur gia đình được mở
ra trong suốt cả tháng. Lễ Cambur gia đình nhằm mục đích tưởng niệm về tổ tiên,
cầu xin thần linh ban cho những điều tốt lành. Các nghi thức cúng tổ tiên đều
diễn ra ở ngoài trời, khoảng không gian làm nơi hành lễ được rào lại bằng tấm
liếp đan bằng tre (Kateng) chỉ chừa một lối ở phía Tây. Ngày nay, ít gia đình
còn dùng Kateng mà họ sử dụng tấm bạc phơi lúa làm hàng rào.
Những
lễ vật dùng cúng tổ tiên và thần linh là những thực phẩm có trong thực đơn
trong ẩm thực truyền thống của người Chăm như : Cơm vun đầy chén, canh bồi, chuối,
bún tươi, bánh tét đòn, bánh tét cặp, bánh ít, món thịt xào, cá kho, thịt gà luộc,
rau sống, bánh tráng nướng, mắm, muối, trầu, cau, trứng...
Tất
cả, các lễ vật được sắp đặt trong rất thẩm mỹ: Một mâm chân cao đặt bên trái
dùng để cúng cho thần linh (Salao ka yang), một mâm chân cao đặt bên phải để
cúng cho tổ tiên (Salao ka muk kei). Ngoài ra, còn có mâm thường đặt bên cạnh. Khi các
lễ vật dâng cúng đã chuẩn bị xong, người chủ lễ là ông Ka-ing hoặc ông Maduen làm nghi thức tẩy thể, rót rượu thỉnh mời
thần linh và tổ tiên về hưởng vật lễ. Người chủ lễ mời thần linh trước rồi mời
tổ tiên. Khi đến lượt mời tổ tiên các thành viên trong dòng họ, gia đình chấp
tay trên đầu và nằm lạy, cầu nguyện. Đến đây, coi như lễ Cambur gia đình kết
thúc, mọi người ngồi chung với nhau sinh hoạt, ăn bữa cơm gia đình.
Lễ
hội Cambur là một trong năm lễ hội lớn của người Chăm ở Palei Pacam tỉnh Bình
Thuận được tiến hành thường niên mang
tính sinh hoạt cộng đồng nhằm tưởng nhớ về tổ tiên. Đối tượng thờ phượng chính
là Po Haniim Par còn có tên gọi khác là Po Harum Cek mà người Chăm Phan Rang gọi
là Po Patao Bin Nathuer. Qua việc thực hiện các nghi thức trong lễ hội Cambur
đã tái diễn lại phần nào sinh hoạt của người Chăm ngày xưa. Đặc biệt, là nghệ
thuật biểu diễn âm nhạc thể hiện ở lối hát đối đáp. Trong tương lai, cần sớm khảo
sát và nghiên cứu toàn bộ hệ thống lễ hội người Chăm ở Tánh Linh. Nghệ thuật
hát đối đáp chưa được nghiên cứu nhiều, do đó cần sự quan tâm của các cơ quan, ban
ngành chức năng nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá phi vật
thể của người Chăm./.
Bá Minh Truyền