DẤU ẤN NGÀN NĂM QUA CHÉ TRÁNG MEN CỦA NGƯỜI CHĂM

Mỗi chiếc ché đều có tiếng nói riêng, xuất xứ riêng và trong mỗi chiếc ché đều ẩn chứa “linh hồn” của nó. Mặt khác, tác động của xã hội, thời đại, tôn giáo, tín ngưỡng… mà những chiếc ché tráng men Chăm đã rời xa chủ nhân của chúng và được sưu tập, trưng bày tại Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Chăm. Do vậy, không chỉ bảo tồn nguyên trạng bộ sưu tập mà còn bảo tồn mang tính kế thừa.


Trong vùng Duyên hải Miền Trung và một phần Tây Nguyên, đã và đang hiện diện các yếu tố văn hóa Chăm trên phương diện văn hóa vật thể và phi vật thể. Ảnh hưởng của văn hóa Chăm không chỉ giới hạn trong nước mà còn tại ở một số nước trong khu vực và trên thế giới.

Tính đến nay, đã có hàng trăm công trình của các tác giả, nhóm tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, DSVH Chăm; rất nhiều công trình nghiên cứu về gốm Chăm và của người Chăm đã được xuất bản nhưng rất ít công trình nghiên cứu về gốm tráng men Chăm, chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu về ché tráng men Chămvà sưu tập ché tráng men Chăm tại Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận cũng không phải là một ngoại lệ.

Hiện tại, tôi đang công tác tại Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận, nơi lưu giữ, bảo quản, trưng bày một số lượng lớn ché tráng men Chăm và tôi cũng thường xuyên tiếp xúc với chúng, từ đó hình thành nên tình yêu, cũng như muốn góp một phần nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị đối với sưu tập này.

Ché tráng men Chăm: là những di vật, cổ vật được người Chăm sản xuất trong khoảng thời gian từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVII, làm bằng đất sét, có nhiệt độ nung từ 1000 đến 12500C, tráng men ngoài, không tráng men bên trong và đế ché.

Mỗi chiếc ché đều có tiếng nói riêng, xuất xứ riêng và trong mỗi chiếc ché đều ẩn chứa “linh hồn” của nó. Mặt khác, tác động của xã hội, thời đại, tôn giáo, tín ngưỡng… mà những chiếc ché tráng men Chăm đã rời xa chủ nhân của chúng và được sưu tập, trưng bày tại Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Chăm. Do vậy, không chỉ bảo tồn nguyên trạng bộ sưu tập mà còn bảo tồn mang tính kế thừa.

Thế kỷ XIII, lịch sử Việt Nam đầy biến động, nhà Trần với ba lần chống quân Nguyên. Đối với Chăm, trong cuộc đối đầu với sự xâm lược của nhà Nguyên, từ năm 1282 – 1284, vua Indravarman V và hoàng tử Harijit (sau này là vua Jaya Sinhavarman III, tức Chế Mân) đã cho rút quân tạm thời từ kinh thành Vijaya (An Nhơn, Bình Định) lên vùng miền núi để thực hiện cuộc kháng chiến lâu dài. Vùng đất cao nguyên trở thành hậu cứ của quân Chăm và bản thân các dân tộc miền núi ở đây cũng sát cánh bên cạnh người Chăm tiến hành cuộc kháng chiến chống lại quân Nguyên hùng mạnh. Vùng đất Tây Nguyên đóng vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến này, điều đó nói lên rằng chiến đấu bảo vệ vương quốc Chăm cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ của các tộc người Tây Nguyên thời kỳ đó.

Cùng góp sức kháng chiến chống quân Nguyên và sau chiến thắng, mối quan hệ giữa Đại Việt và Chăm trở nên tốt đẹp và gắn kết. Công chúa Huyền Trân trở thành Hoàng hậu Chăm và nhiều sự kiện khác. Trong đó có việc người Chăm sử dụng men hoa nâu của thời nhà Trần để sản xuất gốm và kể cả bộ sưu tập ché tráng men Chăm này. Qua sự kiện này chúng tôi lấy niên đại bắt đầu từ thế kỷ XIV cho bộ sưu tập ché tráng men Chăm là hợp lý, còn các đồ gốm tráng men Chăm khác, đặc biệt có kích thước nhỏ hơn hiện đang trưng bày tại Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận còn có thể niên đại sớm hơn (trước thế kỷ XIV).

Có thể khẳng định rằng, những chiếc ché tráng men Chăm có mặt sớm nhất trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên chứ không phải các dòng ché khác.

Bộ sưu tập ché tráng men Chăm có giá trị truyền thống trên nhiều khía cạnh nhất định. Trước hết, đó những những cổ vật theo Luật DSVH năm 2001 quy định đã trên 100 năm. Khi người Chăm không còn làm ché tráng men thì giá trị về kỹ thuật, truyền thống vẫn còn truyền sang các dòng ché khác như: Quảng Đức, Châu Ổ và một số dòng ché Nam bộ.

Không gian văn hóa Trường Sơn - Tây Nguyên, lịch sử, thời gian, môi trường, xã hội qua gần 800 năm, những chiếc ché tráng men Chăm đã từng chứng kiến nhiều sự kiện chiến tranh, mất mát, đau thương, buồn vui, chia tay, sum họp… của từng gia đình, dòng họ, từng cộng đồng dân tộc. Cho đến hiện nay, giá trị giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ về nghề truyền thống, về việc bảo tồn và phát huy DSVH của các dân tộc vẫn còn.

Những chiếc ché tráng men Chăm đã là hiện vật thiêng, hiện vật làm tin, hiện vật trao đổi, hiện vật trao truyền… của nhiều dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên qua hàng chục thế hệ.

Nghệ thuật và kỹ thuật làm gốm Chăm hiện nay ở Bàu Trúc (Ninh Thuận), Bình Đức (Bình Thuận)… vẫn còn thừa hưởng kỹ thuật và nghệ thuật của người Chăm xưa. Đặc biệt là cách chế tác không bàn xoay, tạo hình nghệ thuật bằng khắc vạch trên gốm… mà các nghệ nhân làng Bàu Trúc, Bình Đức đều có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, bộ sưu tập ché tráng men Chăm đang trưng bày tại Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Chăm và cùng nhiều sưu tập các loại ché khác tại các nhà sưu tập tư nhân, các Bảo tàng miền Trung và Tây Nguyên, các Bảo tàng nước ngoài… đang diễn ra như hiện nay là lời cảnh báo về sự mai một, bào mòn, chảy máu cổ vật, hao hụt DSVH, thu hẹp không gian văn hóa… cho các chủ thể văn hóa, quản lý văn hóa và nghiên cứu văn hóa - nghiên cứu dân tộc học ở Việt Nam.

Để có một chiếc ché tráng men Chăm, các dân tộc ở Trường Sơn – Tây Nguyên trước đây có thể không tính bằng tiền mà bằng trao đổi hàng hóa, sản vật. Qua đó, họ hiểu nhau về đời sống văn hóa, tâm linh, ước vọng, chế độ mẫu hệ, phụ hệ… mà cho ra những chiếc ché tráng men Chăm có loại hình hoa văn kết hợp rồng hổ, hoa cúc quỳ, vòng chuỗi, kiểu dáng phù hợp với đời sống của các dân tộc vùng Trường Sơn – Tây Nguyên…

Mỗi một cái ché tráng men Chăm đều có một hoặc nhiều sự kiện lịch sử, chuyện kể, truyền thuyết… khác nhau. Bởi vì làm bằng thủ công nên không có cái ché nào giống cái nào; ché tráng men Chăm có “linh hồn”; xuất xứ từ nhiều gia đình, dòng họ, buôn sóc, bản làng khác nhau… nên các sự kiện lịch sử, chuyện kể, truyền thuyết cũng khác nhau. Do vậy, không thể kể hết, tìm hiểu hết trong một bài viết ngắn này. Đây sẽ là một đề tài thú vị cho các công trình nghiên cứu sau.

Ché là vật dụng phổ biến được sử dụng làm rượu cần của cư dân các dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên. Từ xa xưa đến nay, rượu cần đều được làm từ sản phẩm nông nghiệp: lúa gạo nương rẫy, khoai mì (củ sắn – ha puoi), bắp – ngô (tangơi – nghilo), bobo (papur)… được nấu vừa chín cho vào ché và thêm men lá để ủ. Tùy theo loại sản phẩm mà có thể sử dụng rượu cần sau 2 tuần (củ sắn – ha puoi) hoặc 3 đến 4 tháng bắp – ngô (tangơi – nghilo) ủ men. Mặt khác, khi sử dụng rượu cần cho các việc cúng tế khởi đầu làm nương rẫy, săn bắt, các lễ hội được mùa màng, kết quả săn bắn là phải làm từ trước…

Ché tráng men Chăm là tài sản quý giá nhất của hầu hết các dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên. Sau này có thêm các dòng ché khác thay thế nhưng giá trị của ché tráng men Chăm không thể thay đổi được. Bởi đó là vật gia truyền, có tuổi đời cao hơn, là vật thể hiện uy tín, uy quyền của từng cá nhân, dòng họ, bản làng. Bởi người Chăm đã thổi hồn cho từng chiếc ché và sau đó được chủ nhân của nó gìn giữ nâng niu và trân trọng truyền giữ.

Cư dân Trường Sơn – Tây Nguyên không làm được ché, nhưng sử dụng và gìn giữ ché thì không ai bằng. Khi những chiếc ché tráng men Chăm được trao truyền qua hàng chục thế hệ (700-800 năm, nếu tính trung bình một thế hệ là 25 năm) thì sự kết nối với tổ tiên của chủ nhân càng thêm trân trọng. Khi được uống rượu cần làm từ những chiếc ché này mới thấy giá trị linh thiêng của nó. Đặc biệt trong các dịp lễ nghi, lễ hội và tín ngưỡng tâm linh giữa đại ngàn mênh mông, bên ánh lửa hồng, trống chiêng trầm bổng, bóng hình già làng, trưởng bản, chàng trai, cô gái… lần lượt in lên trên lớp men huyền ảo của những chiếc ché tráng men Chăm. Cứ thế nối tiếp, không thể biết một người in lên hình ché mấy lần qua ánh lửa, cũng không thể đếm được một đời ché in hình bóng được mấy chục vạn người. Đối với các tộc người ở Trường Sơn - Tây Nguyên cũng có quan niệm ché tráng men Chăm đã già, đã phải đưa về với ông bà tổ tiên.

Cách thức yểm bùa, chia của bằng ché tráng men Chăm theo tư tưởng nhân văn con người miền núi Trường Sơn – Tây Nguyên cũng là một đề tài hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu. Nó cũng đang hiện hữu trên bộ sưu tập ché tráng men Chăm đang được trưng bày tại Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận.

Hầu như tất cả các hiện vật văn hóa đều gắn với phong tục tập quán, các lễ nghi, lễ hội truyền thống dân gian, nhất là đối với người Chăm và các dân tộc cư trú tại vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Trong các nghi lễ ấy không thể thiếu những sản phẩm nhạc cụ, đồ dùng sinh hoạt truyền thống như: Cồng chiêng, tù và, trống, kèn…  Lễ hội thì phải có ăn, có uống, có nhảy múa hát ca… Vậy là, ở nơi trung tâm trang trọng nhất của lễ hội không thể thiếu một cái ché tuk, ché tang…

Rất nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, rượu cần thì phải uống hút bằng cần, mời một chén thì rót vô ché một chén nước, rồi dùng cần hút rượu. Trên thực tế thì không hoàn toàn như vậy. Cúng cho toàn cuộc lễ là những ché rượu chưa có cắm cần vào. Nhiều nơi khi cắm cần vào thì họ hút nước rượu đầu tiên ra âu, ra tô, ra chén… cùng với các lễ vật khác để cúng thần linh. Sau đó đổ thêm nước vào ché, cắm thêm cần để mời khách. Khách quý được uống bằng chén từ nước rượu thứ nhất chứ không phải uống bằng cần. Trong cuộc vui lễ hội thì mọi người nhảy múa vòng tròn theo nhịp chiêng trống hoặc ca hát thì uống rượu từ nước thứ hai trở đi bằng cần cho tiện. Vậy nên, mới có tên gọi là rượu cần.

Khi tập hợp lại các hình dạng, kích thước, hoa văn… của bộ sưu tập ché tráng men Chăm chúng ta thấy như tập hợp một đại gia đình nhiều thế hệ. Từng cặp âm - dương, nam - nữ rõ ràng: ché ông, ché bà; ché cha, ché mẹ; ché anh, ché em; ché con, ché cháu…

Trong các chủng loại ché hiện nay, thì ché tráng men Chăm không lẫn vào dòng ché khác được. Đã được thời gian ghi nhận, con người nâng niu trân quý và tạo ra giá trị thẩm mỹ thể hiện qua kiểu dáng - phong cách của từng chiếc ché. Đây là điều mà những người làm giả cổ ché tráng men Chăm rất khó thực hiện.

Giá trị thẩm mỹ thể hiện qua nghệ thuật điêu khắc và hoa văn trang trí trên ché tráng men Chăm rất hàm ý sâu sắc, quan niệm nhân sinh quan, thế giới quan rõ ràng.

Riêng đối với con rồng trên ché tráng men Chăm lúc thì chầu nguyệt, lúc thì một mình, lúc thì cùng nhau trên mây, lúc thì bơi trên nước, lúc thì ngoảnh đầu nhìn lại, lúc thì nằm ngữa lên trời… có hay chăng mang dấu ấn của từng giai đoạn lịch sử, văn hóa, tư duy nghệ thuật của người Chăm trong khoảng thế kỷ XIV-XVII. Đây là một đề tài rất hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu sau này.

Trên bộ sưu tập ché in đậm dấu vết về sự tôn kính, biết ơn thần linh, các bậc tiền nhân thông qua việc “yểm bùa”, trang trí thêm vòng đeo cổ ché, vòng đeo tai ché, đặt tên ché, cúng ché. Nét đẹp thẩm mỹ về tính chất phác, đơn giản và nghệ thuật tinh hoa kết tinh qua nhiều thế hệ được in dấu trên từng chiếc ché cổ. Nghĩa tình sâu nặng với thế giới bên kia qua dấu vết trên bộ sưu tập ché tráng men Champa qua tục chia của, tục chém ché, tục chôn ché… của các tộc người vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Qua vết tích của bộ sưu tập ché tráng men Chăm cho thấy, tập tục chia của, chia phần cho thần linh, cho người đã khuất với hình thức chia bằng tai ché rất phổ biến.

Thông qua dịch vụ du lịch, bộ sưu tập ché tráng men Chăm góp phần thu hút khách du lịch, làm cho hoạt động du lịch ở địa phương thêm đa dạng bởi nó có nhiều lựa chọn hấp dẫn cho những cá nhân, tổ chức lữ hành, các du khách vừa tham quan vừa nghiên cứu. Bộ sưu tập ché tráng men Chăm là sản phẩm thủ công có giá trị sử dụng và giá trị nghệ thuật đặc sắc, đặc trưng cho văn hóa vùng núi và mối quan hệ với người Chăm vùng đồng bằng. Đến với Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận, nơi trưng bày nhiều hiện vật văn hóa dân tộc, khảo cổ học về văn hóa Chăm thì khách du lịch không chỉ thỏa mãn nhu cầu chiêm ngưỡng các giá trị văn hóa đặc sắc đó mà còn có dịp được tận mắt tận hưởng những cổ vật ché tráng men có 700 – 800 năm tuổi.
 

 

 

 

 

Cái cầu nối giữa quá khứ và hiện tại thông qua những chiếc ché tráng men Chăm tưởng như vật vô tri, vô giác, lại được khơi dậy và hướng tới những điều cần quan tâm sâu sắc hơn nữa trong không gian văn hóa truyền thống bị thu hẹp.

 Việc lưu giữ và phát huy giá trị của bộ sưu tập ché tráng men Champa tại Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận không khó bằng việc nhận diện, xác định ra chủ nhân sử dụng, dấu ấn lịch sử, công lao giữ gìn cho đến ngày nay, nghệ nhân làm những hiện vật như thế này. Có nên phát huy giá trị của bộ sưu tập ché tráng men Champa tại đây hay không, nếu có thì có giải pháp nào hiệu quả là những vấn đề đang đặt ra.
ThS. Lê Xuân Lợi


Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 14
  • Hôm nay: 70
  • Trong tuần: 433
  • Tất cả: 74419

 TRANG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VĂN HÓA CHĂM

Địa chỉ : 28 Đường Tô Hiệu, Phường Tấn Tài, TP. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận. 
Điện thoại : 0259 3822723  - 02593504099       Email : ttncvhc@ninhthuan.gov.vn.
Ghi rõ nguồn ttncvhc.ninhthuan.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Website này.