DIỄN TRÌNH LỄ HỘI KATÊ CỦA NGƯỜI CHĂM

Lễ hội Katê (Katé) là một trong những công lễ lớn và quan trọng của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Lễ hội Katê được tổ chức hằng năm vào đầu tháng 7 Chăm lịch (khoảng cuối tháng 9 và đầu tháng 10 Dương lịch) có sự tham gia đông đảo của người dân. Tính chất đặc biệt của lễ hội Katê là sự xuất hiện của tộc người Raglai cùng với người Chăm thực hành cúng lễ. Diễn trình của lễ hội Katê diễn ra ở trên đền tháp, ở làng và các gia đình. Nhằm mục đích tưởng niệm các vị nam thần, những vị vua có công lao được nhân thần hóa.


 Mỗi khi đến tháng Katê người Chăm chuẩn bị các lễ vật mang lên tháp cúng lễ. Hướng dẫn cúng lễ ở trên các đền tháp là các chức sắc như Po Basaih, Po Adhia, Kadhar, Pajau và Camanei. Trung tâm điểm của lễ hội Katê tại tỉnh Ninh Thuận diễn ra tại 3 địa điểm chính là: Đền thờ Po Inâ Nâgar, đền tháp Po Ramé và đền tháp Po Klaong Garay.

 1. Lễ hội Katê trên đền tháp

Mở đầu cho lễ hội Katê trên các đền tháp là nghi thức tấu trình với thần linh tiếng Chăm gọi là Pathau Hala về việc tổ chức lễ Katê. Người dân sẽ chuyển những lời ước nguyện cho thần linh biết và xin sự giúp đỡ của thần linh thông qua lời khấn của Po Adhia và ông Kadhar. Trước khi mở cửa tháp ông Camanei thực hiện nghi thức tế nước vào bức phù điêu thần Siva ở trên cửa tháp, những giọt nước rơi xuống được người dân hứng thoa, bôi lên thân thể như cầu mong sức khoẻ và sự thánh linh. Bà Pajau và ông Kadhar khấn xin được mở cửa tháp, thực hiện nghi thức tắm cho tượng thần, mặc áo bào. Cuối cùng, ông Kadhar hát kể về sự nghiệp và công trạng của các vị thần linh và anh hùng dân tộc được người Chăm thờ phụng, bà Pajau khấn vái cầu sự bình an, Po Adhia thì dâng lễ vật theo lời hát hướng dẫn của ông Kadhar. Kết thúc buổi lễ Katê trên đền tháp, người Chăm trở lại ngôi làng của mình để tổ chức lễ hội Katê ở làng và cúng cơm trong gia đình.

2. Lễ hội Katê ở làng

Mỗi ngôi làng của người Chăm đều có một ngôi đền thờ thần làng như tín ngưỡng thờ thần hoàng của người Việt. Thần làng là những người đã có công lao lập làng, khai hoang ruộng đất, tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống cho dân làng.   Người dân tôn kính thần làng như vị thần bổn mệnh che chở và mang đến những điều may mắn. Chức năng của đền thờ làng là trung tâm sinh hoạt văn hoá tâm linh. Đền thờ của làng chỉ mở cửa vào dịp năm mới và tháng cúng lễ Katê.

Đi vào làng Chăm vào mùa lễ hội Katê, những làn khói lam chiều bay nghi ngút lẫn trong cơn mưa rào, rực cháy ngọn lửa hồng mang lại sự ấm áp của ngày tháng mùa thu. Đó là lúc những đòn bánh tét đã chín được vớt ra khỏi lò, những mâm cỗ lễ vật đã được bày trí để dâng cúng cho vị thần làng. Cuộc sống mưu sinh người Chăm phải bôn ba khắp nơi để lo toan làm ăn. Ấy vậy mà, cứ đến ngày lễ hội Katê, họ quay trở về ngôi làng của mình quên đi những cực nhọc, buồn vui, giận hờn, bỏ đi những gánh nặng cuộc đời để niềm nở với nhau trong bầu không khí linh thiêng tại ngồi đền làng. Cho dù người giàu hay người nghèo, ai ai cũng bình đẳng trước thần linh. Người thì mang theo trái cây, bánh ngọt, quả trứng, xị rượu, vài lon bia, thịt gà luộc để nguyên con, cao quý hơn một chút thì làm một con dê để tạ ơn thần linh, trả nợ cho thần linh vì những lời hẹn ước trước đó.

Mọi công việc cúng lễ Katê ở làng đều do người dân tự tổ chức, tự phân công nhau làm việc. Những người đàn ông dọn dẹp vệ sinh không gian của ngôi đền. Những người phụ nữ chăm lo công việc bếp núc, nấu nướng, gói bánh tét, làm bánh Sakaya, bánh Ginaong Ya và những món ăn truyền thống để thết đãi thần làng. Khi các lễ vật đã chuẩn bị xong, ông Kadhar hát lễ các bài thánh ca về sự nghiệp và công đức của các vị thần có công tạo dựng làng xóm, bà Pajau khấn cầu mong sự bình an cho dân làng, còn Po Adhia thì dâng lễ vật lên cho thần linh.

Để khấn nguyện, cầu mong sự may mắn, được vụ mùa bội thu, cầu cho mưa thuận gió hoà, cây trồng và vật nuôi sinh sổi nẩy nở, con người được khoẻ mạnh và hạnh phúc. Người Chăm chấp tay, lòng bàn tay úp vào nhau để trên đầu rồi khấn nguyền với thần làng. Thành kính hơn thì buộc khăn ngang lưng, chấp tay nằm sát mặt đất thành tâm khấn nguyện. Katê làng tuy không nhộn nhịp như lễ hội Katê trên các đền tháp Champa. Nhưng khoảng khắc lắng đọng của bầu không khí linh thiêng, vui vẻ, quay quần bên nhau của dân làng dành cho nhau trong ngày lễ Katê để cầu mong một vụ mùa mới với những đổi thay mới. Dân làng phấn khởi, đoàn kết giúp đỡ nhau làm ăn, giáo dục con cái nên người.

3. Lễ hội Katê ở gia đình

  Nếu như lễ hội Katê ở trên các đền tháp và lễ hội Katê ở làng có sự tham gia cúng lễ của các tầng lớp chức sắc Chăm Bà la môn giáo thì lễ hội Katê ở gia đình do người trưởng tộc hoặc người đàn ông lớn tuổi trong gia đình đứng ra tổ chức cúng cơm dâng cho ông bà, tổ tiên.

Trong tháng Katê không phải gia đình người Chăm nào cũng cúng cơm mà chỉ có một số gia đình đại diện cho cả tộc họ cúng cơm, mời ông bà, tổ tiên về sum họp với con cháu. Những gia đình khác trong tộc họ tham gia, đóng góp, hỗ trợ một số lễ vật cho phong phú thêm như bánh ngọt, trái cây, vài con gà, con vịt để chế biến thêm các món ăn. Trong trường hợp gia đình có tang hoặc tộc họ mới vừa làm lễ hội nhập Kut thì người Chăm không có tổ chức cúng lễ Katê và không được sát sinh trong suốt một năm.

Lễ vật quan trọng để cúng cơm tại gia đình trong ngày lễ Katê bao giờ cũng có các món bánh tét, bánh Sakaya, bánh Ginaong Ya, bánh ít, chuối, trái cây và bánh ngọt. Bánh tét của người Chăm có 2 loại: Bánh tét đòn và bánh tét dẹp tượng trưng Linga và Yoni trong vũ trụ. Người Chăm có cách thức bày trí mâm cỗ rất độc đáo. Mâm cỗ trong ngày lễ Katê không chỉ phong phú về thực đơn mà còn đòi hỏi nghệ thuật sắp đặt sao cho thật thẩm mỹ. Lễ vật dâng cúng cho tổ tiên phải đặt trên cỗ mâm cao, lót lá chuối ở dưới và đặt trên chiếu cói. Người cúng lễ ngồi quay mặt về phía đông, trước mặt là các mâm lễ vật. Theo quan niệm của người Chăm hướng đông là hướng thần linh ngự trị, nơi ở của ông bà, tổ tiên.

Đại diện cho tộc họ, ông trưởng tộc khấn mời tổ tiên về hưởng lễ vật do con cháu dâng cúng. Cầu xin với ông bà, tổ tiên phù hộ cho sức khoẻ, làm ăn gặp nhiều may mắn, con cái đi học thành tài nên người, gia đình, làng xóm được yên vui. Khi ông trưởng tộc đốt trầm hương, khói trầm bay lên người Chăm tin tưởng rằng tổ tiên đến nhận lễ vật. Lần lượt, ông trưởng tộc rót trà, rót rượu khấn mời, các thành viên trong tộc họ chấp tay lên đầu cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình. Sau đó, mọi người quay quần bên nhau ăn bữa cơm gia đình chan hoà, vui vẻ.

 Lễ hội Katê là một trong những lễ hội lớn của người Chăm thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế đã mang không gian văn hoá lễ hội Chăm ngày càng lan toả và làm giàu bản sắc văn hoá Việt Nam./.

Bá Minh Truyền


Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 71
  • Trong tuần: 434
  • Tất cả: 74420

 TRANG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VĂN HÓA CHĂM

Địa chỉ : 28 Đường Tô Hiệu, Phường Tấn Tài, TP. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận. 
Điện thoại : 0259 3822723  - 02593504099       Email : ttncvhc@ninhthuan.gov.vn.
Ghi rõ nguồn ttncvhc.ninhthuan.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Website này.