Giới thiệu nhanh về Di tích Quốc gia đặc biệt tháp Po Klaong Girai

Po Klaong Girai, là vị vua trị vì 54 năm (từ 1163-1217), đã có nhiều công lao đối với dân tộc Chăm trong việc chống giặc và trong việc tổ chức khai mương, đắp đập thủy lợi làm cho đồng ruộng tươi tốt…và với nhiều truyền thuyết, huyền sử vô cùng hấp dẫn về vị vua này.

Kính thưa quý khách!

Quý khách đang đứng trên ngọn đồi Trầu, thuộc phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Nhìn về phía Bắc khoảng 30 km là đến thành phố Cam Ranh, hướng đó có vườn Quốc gia Núi Chúa và tháp Hòa Lai huyền thoại; Về hướng Nam khoảng 30 km giáp với tỉnh Bình Thuận, nơi đó núi cận kề với biển, đường sắt, quốc lộ 1A, đường biển nằm sát với nhau và khu du lịch biển Cà Ná đã làm nhiều người đắm say; Về phía Tây 80 km qua đèo Ngoạn Mục, đường lên Đà Lạt mộng mơ thuộc tỉnh Lâm Đồng; Về hướng Đông là thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đang tràn đầy sức sống, biển xanh xanh thẳm với nhiều khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, danh lam thắng cảnh ven biển hấp dẫn nhất của vùng đất này.

Và đây là quần thể tháp Po Klaong Girai (Pô Klong Garai, Pô Klong Girai), còn có tên gọi là tháp Bửu Sơn; Sử ký Trung Hoa gọi là Bà Khắc Lượng Gia Lai! Di tích Quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2016.

Về niên đại xây dựng tháp Po Klaong Girai, hiện vẫn chưa có sự thống nhất:

- Nhóm thứ 1 dựa vào truyền thuyết cho rằng, vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân trị vì 1293-1318) xây để thờ vua Po Klaong Girai.

- Nhóm thứ 2 dựa vào kiến trúc và bối cảnh xã hội thì tháp xây dựng dưới triều vua Jaya Simhavarman IV (Chế Anan trị vì 1318 - 1342).

Po Klaong Girai, là vị vua trị vì 54 năm (từ 1163-1217), đã có nhiều công lao đối với dân tộc Chăm trong việc chống giặc và trong việc tổ chức khai mương, đắp đập thủy lợi làm cho đồng ruộng tươi tốt…và với nhiều truyền thuyết, huyền sử vô cùng hấp dẫn về vị vua này.

Sau 7 lần trùng tu tôn tạo, xin Quý khách hãy nhìn lên tượng Thần Siva đang múa trên trán cửa tháp chính. Đây là một trong những pho tượng Siva đẹp nhất hiện nay ở Việt Nam có niên đại thời vua Chế Mân. Hai bia ký hai bên là chữ Chăm cổ. Đặc biệt là phiến đá 3 mặt khắc chữ Phạn ở phía Đông Bắc tháp chính có niên đại thế kỷ XI (1050). Đây là bia ký của hai hoàng thân - hai em trai của vua Jaya Paramesvarman I. Nội dung của bia ký nói về việc hai vị hoàng thân tên là Yuvaraja và Devaraja, sau chiến thắng trong việc đàn áp cuộc nổi dậy của người dân Panduranga, đã cho dựng một linga và một cột chiến thắng.

Tức là, tháp Po Klaong Girai hiện nay có thể được xây dựng trên nền móng hoặc được tu bổ, tôn tạo trên cơ sở của một ngôi tháp cũ vào khoảng cuối thế kỷ XIII - đầu thế kỷ XIV. Đây là một vấn đề hết sức lý thú, cần được tiếp tục nghiên cứu và giải mã. (Quý khách có thể tìm hiểu thêm tư liệu tại Bảo tàng tỉnh và Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm).

Tại tháp Po Klaong Girai, hiện nay dưới sự chủ trì của Cả sư Đổng Bạ, hàng năm diễn ra nhiều lễ hội tôn giáo - tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm, làm cho ngôi tháp “Sống lại” với thời gian và không gian. Đây là nơi thu hút du khách tham quan nhiều nhất trong các điểm đến. Hấp dẫn và nổi bật nhất, được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng người Chăm và du khách trong ngày lễ hội Katé (Katê) được tổ chức vào đầu tháng 7 Chăm lịch (khoảng tháng 10 Dương lịch). Từ đền tháp này, Katé lan tỏa về các cộng đồng làng, các dòng họ, gia đình của người Chăm theo đạo Bàlamôn. Quý khách có thể tham gia lễ hội Katé để trãi nghiệm sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc này.

Trước mặt tháp chính là sân lễ, nơi điễn ra nghi lễ tại đây. Tháp cổng nằm phía Đông tháp thờ chính, cửa mở thông theo hướng Đông Tây chỉ dành cho hướng đi của Thần linh. Tháp về phía Đông Nam, là tháp chứa đồ thờ cúng trong nghi lễ hay còn gọi tháp thờ thần Lửa trong nghi lễ Yuor Yang.

Tại khu vực tháp Po Klaong Girai hiện có: bên trong tháp chính tượng thờ Mukalinga Po Klaong Girai; 01 tượng bò thần Nandin; bên ngoài có một số tượng gắn xung quanh các tháp; 02 bia kí khắc trên cửa tháp. Xung quang có một bia đá 3 mặt có chữ; 01 bia không còn chữ nhưng còn hình khắc hình Homkar; 01 tượng Kút Hoàng hậu và 1 trụ đá (Linga) ở ngoài vòng thành phía Nam quần thể di tích. Ngoài ra, còn một số hiện vật bằng vàng vốn thuộc di tích đang được bảo quản tại ở Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận.

Đối với di sản văn hóa của người Chăm, kiến trúc tháp Po Klaong Girai được xếp vào phong cách Muộn, sau phong cách Bình Định. Nhưng đây cũng là nhóm đền - tháp được xây dựng hoàn chỉnh, cuối cùng trong tổng thể các kiến trúc tháp Chăm. Qua đó cho thấy, sự tồn tại của kiến trúc tháp đã góp phần vào sự đa dạng của phong cách kiến trúc tháp Chăm, một nền kiến trúc đã phát triển đến đỉnh cao từ thời Trung đại, có sức lan tỏa mạnh và phát triển liên tục trong khoảng hơn 10 thế kỷ. Chất kết dính và kỹ thuật xây tháp này vẫn còn huyền bí. Đến nay, nhiều vấn đề liên quan tới kiến trúc này vẫn còn nằm trong “vùng mờ” nhận thức của chúng tôi, do vậy cần được tiếp tục nghiên cứu và giải mã.

Qua đây quý khách có thể thấy sức sống và sự cuốn hút truyền thuyết về Po Klaong Girai này là bất tận, vì thế mà nó còn được đọng lại trong tâm thức của cộng đồng người Chăm. Chúng ta thấy được sự tiếp biến và hỗn dung tôn giáo - tín ngưỡng, để rồi người Chăm định hình nên một tôn giáo - tín ngưỡng mang tính hỗn dung - đồng nhất giữa vương quyền và thần quyền (Siva và Vua). Đây chính là một nhân tố quan trọng, góp phần duy trì và phát triển tôn giáo - tín ngưỡng truyền thống của người Chăm, đồng thời là một biểu hiện sinh động sự khoan dung và hòa hợp về văn hóa, tôn giáo - tín ngưỡng ở nước ta. Trong bối cảnh hiện nay, việc giải quyết hài hòa các xung đột tôn giáo - tín ngưỡng được xác định là một trong những thách thức của nhân loại.

Trong thời gian tới, chúng tôi những người làm công tác Di sản văn hóa và Du lịch sẽ nỗ lực nhiều hơn để giới thiệu các điểm đến tham quan trong tỉnh nói chung và tháp Po Klaong Girai nói riêng, đáp ứng thêm nhu cầu tìm hiểu của quý khách. Hy vọng mỗi lần quý khách đến với không gian thiêng này sẽ có thêm cảm xúc mới.

Hẹn gặp lại quý khách và bạn bè của quý khách trong một ngày gần nhất.

Trân trọng cảm ơn!

(Trích dẫn từ hồ sơ Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2016)

Lê Xuân Lợi – Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 74
  • Trong tuần: 265
  • Tất cả: 71227

 TRANG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VĂN HÓA CHĂM

Địa chỉ : 28 Đường Tô Hiệu, Phường Tấn Tài, TP. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận. 
Điện thoại : 0259 3822723  - 02593504099       Email : ttncvhc@ninhthuan.gov.vn.
Ghi rõ nguồn ttncvhc.ninhthuan.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Website này.