Tiến
trình của lễ hội Rija Nagar lần lượt thực hiện như múa mừng, dâng lễ vật và tống
tiễn hình nhân.
Múa
dâng lễ (Tamia)
Trong
nghi lễ Rija Nagar, múa dâng lễ là một đặc trưng chủ yếu từ lúc bắt đầu hành lễ
cho đến kết thúc hoạt động múa lễ được diễn tiến liên tục. Người múa lễ là ông
Ka-ing, khi dâng lễ vật cho vị thần nào thì ông Ka-ing múa dâng lễ cho vị thần
đó. Tùy thuộc vào đặc điểm tính cách, giới tính của thần, ông Ka-ing có đạo cụ,
trang phục, để hóa thân múa dâng lễ.
Ông
Ka-ing múa dâng lễ cho nhiều vị thần khác nhau nhưng tiêu biểu nhất là múa dâng
lễ cho Po Nai Tangya Bia Atapah, Po Tang Ahaok, Po Haniim Par và Po Cei Tathun.
Ông Ka-ing liên tục thay đổi trang phục, đạo cụ tái hiện diện mạo và đặc điểm
tính cách của từng vị thần để hóa thân nhập vai.
Dâng
lễ vật cho Po Nai, ông Ka-ing hóa thân làm nữ thần mặc trang phục nữ, quấn khăn
Brem trên đầu, tay cầm chiếc khăn tay, quạt giấy, mâm hoa quả múa với nhịp bước
khoang thai, các động tác di duyển uyển chuyển, nhịp bước, nhún nhảy nhẹ nhàng.
Dâng
lễ vật cho Po Tang Ahaok, ông Ka-ing lấy cây mía xông lên khói trầm dùng cây
mía làm mái chèo thuyền, động tác múa hối hả, nhanh nhẹn thể hiện sự khát khao
chiến thắng, vượt qua bao sóng to, biển lớn để cập bến bờ an toàn. Ban nhạc lễ
càng làm cho ông Ka-ing phấn khích bằng cách đặt nghiêng một cái trống Ginâng
đánh liên hồi tái hiện nhân vật Po Tang Ahaok chèo thuyền ngoài biển khơi.
Dâng
lễ cho Po Haniim Par, ông Ka-ing lấy cây roi mây làm đạo cụ múa, ông quan sát
đóng lửa đang cháy ở phía trước rạp lễ và nhảy lên dập tắt ngọn lửa đang cháy bằng
đôi chân trần.
Dâng
lễ cho Po Cei Thun, ông Ka-ing cầm roi mây làm động tác cưỡi ngựa oai hùng, ông
múa nhịp bước chân nhanh, nhún nhảy một
chân diễn tả vị tướng đang xông pha ngoài chiến trường vượt qua bao trở ngại,
khó khăn, thử thách để chiến thắng.
Dâng
lễ vật (Éw yang pabah kajang)
Sau
khi kết thúc múa lễ, chức sắc Mâduen và Ka-ing thực hiện nghi lễ dâng lễ vật tại
vị trí trước cửa nhà lễ (Pabah kajang). Các chức sắc ngồi trước nhà lễ quay mặt
về phía đông. Lễ vật là một con dê được luộc chín sắp đặt trên mâm. Trong đó,
có hai mâm cao và hai mâm thường, mỗi mâm có thịt, cơm, canh và ít hạt muối.
Trên các mâm cơm đều có lót lá chuối và gắn một cây nén làm bằng sáp ong. Lễ vật
được chuẩn bị và sắp đặt xong, ông Ka-ing và ông Mâduen khấn mời các thần linh
nhận lễ và cầu mong thần phù hộ trong năm mới dân làng được bình an, có cuộc sống
ấm no và hạnh phúc, mùa màng, cây trồng và vật nuôi sinh sôi nẩy nở. Cuối cùng,
ông Ka-ing làm nghi thức siêu thoát linh hồn cho con vật hiến tế.
Tiễn
đưa hình nhân (Paralao salih)
Những
hình nhân làm bằng bột gạo gồm có một nam và một nữ đã chứng kiến việc dâng lễ
Rija Nagar vào dịp đầu năm mới. Hình nhân được ông Mâduen căn dặn mang những lời
khấn cầu của người dân đến trình báo trên thiên giới, đồng thời mang những tai
ương, bệnh tật, rủi ro, chết chóc của năm cũ đem thả trôi sông ra biển. Các
hình nhân được đặt trên mâm cao, được chức sắc Ka-ing ban cho lễ vật, mời dùng
trầu cau và rượu. Sau đó, ông Ka-ing bưng mâm salih đi ra khỏi làng đến ngã 3,
ngã 4 đường cạnh một dòng suối ông thả hình nhân xuống và đập bẻ quả trứng gà.
Đến đây, nghi lễ Rija Nagar đã thực hiện xong, ông Ka-ing tháo khăn quấn trên đầu
xuống kết thúc buổi cúng lễ.
Lễ hội Rija Nagar là một trong những lễ hội lớn
của người Chăm được tổ chức để đón mừng năm mới với ý nghĩa cầu mong những điều
tốt đẹp sẽ đến trong năm mới và tống tiễn đi những tai ương, bệnh tật làm ảnh
hưởng đến cây trồng, vật nuôi và con người. Lễ hội Rija Nagar là nơi bảo tồn
các giá trị văn hóa truyền thống của người Chăm như âm nhạc, múa, ẩm thực, văn
khấn, trang phục...Đồng thời, là không gian thiêng để người Chăm sinh hoạt văn
hóa tinh thần, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp trong năm mới./.
Bá Minh Truyền