Lễ cưới của mỗi dân tộc không giống
nhau thể hiện sự đa dạng trong bản sắc văn hoá. Lễ cưới truyền thống của người
Chăm mang một vẻ đẹp riêng, hôn nhân định cư bên nhà vợ.
Người
Chăm theo chế độ mẫu hệ, nhà gái sẽ chủ động trong việc hôn nhân. Sau một quá
trình tìm hiểu nhau khi đôi nam nữ quyết định đi đến hôn nhân, nhà gái sẽ cử một
ông mai mang lễ vật sang nhà trai để thưa chuyện và xin nhà trai định ngày để
làm lễ hỏi cưới. Hai bên nhà trai và nhà gái sẽ thống nhất với nhau về cách thức
và thời gian tổ chức lễ cưới.
Đến
ngày đã ấn định làm lễ cưới, họ hàng nhà trai tự tổ chức đưa chú rể sang nhà vợ.
Dẫn đầu là ông Inâ Amâ (Đại diện cha
mẹ chú rể), đi theo sau là chú rể, kế đến là những người phụ nữ và các thành
viên trong họ tộc nhà trai. Khi gần tới nhà cô dâu, có nhóm đại diện nhà gái đến
đón nhà trai vào nhà. Ông Inâ Amâ dắt
tay chú rể đến phòng cô dâu và bàn giao cho nhà gái. Cô dâu giúp chú rể sửa soạn
lại trang phục. Sau đó, hai người cùng ăn một miếng trầu cau mang ý nghĩa cùng
nhau chia sẻ ngọt bùi, đắng cay trong cuộc sống. Từ đây, chú rể chính thức trở
thành thành viên của gia đình nhà gái. Chú rể và cô dâu cầm tay nhau bước ra khỏi
hôn phòng dâng trầu cau, rượu mời cha mẹ và tuyên bố khai tiệc cưới.
Sau
3 ngày thành hôn, cô dâu mang một số lễ vật làm lễ Taleh Akhan Aw (Trả quần áo)
ở bên gia đình nhà trai thì đôi vợ chồng mới được phép động phòng. Nhân dịp
này, cha mẹ chồng sẽ tặng cho nàng dâu một số hiện vật dùng trong sinh hoạt, tiền,
vàng và một ít hạt giống như lời chúc phúc cho vợ chồng trẻ làm ăn gặp nhiều
may mắn, sớm có con đàn cháu đống./.
Bá Minh Truyền