NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI CHĂM

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các tộc người thiểu số tiếp cận được thị trường trong và ngoài nước nhờ chính sách mở cửa, Đổi Mới của Nhà nước. Từ đó, đã làm thay đổi đời sống kinh tế, xã hội các tộc người thiểu số, họ không ngừng sáng tạo ra nhiều dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ để đáp ứng với nhu cầu thị hiếu của thị trường. Người Chăm vẫn duy trì loại hình kinh tế nông nghiệp, tận dụng thời gian nông nhàn làm các sản phẩm thủ công phát triển sinh kế gia đình. Do đó, xu hướng sinh kế của tộc người thiểu số vừa sản xuất nông nghiệp vừa làm các sản phẩm thủ công truyền thống để phục vụ nhu cầu văn hóa và du lịch cho địa phương.


Ninh Thuận có 3 làng nghề truyền thống của người Chăm là nghề bốc thuốc nam ở Phước Nhơn và An Nhơn, nghề dệt vải thổ cẩm ở Mỹ Nghiệp và nghề làm gốm thủ công truyền thống Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

1. Nghề dệt vải thổ cẩm

            Nghề dệt vải thổ cẩm gắn liền với đời sống hàng ngày của phụ nữ Chăm vùng Nam Trung Bộ. Xưa kia, mặt hàng thổ cẩm là sản phẩm triều cống của vương quốc Champa và xuất cảng ra nước ngoài, trao đổi thương mại với quốc tế. Các làng Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận đều có nghề dệt phục vụ cho nhu cầu đời sống. Đặc biệt, là cung cấp cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và cúng lễ trên tháp. Ở Ninh Thuận, có làng dệt thổ cẩm ở làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước còn bảo tồn nhiều hoa văn cổ, sản xuất ra nhiều mặt hàng với mẫu thiết kế đẹp đáp ứng yêu cầu thị trường.

            Người Chăm làm ra sản các phẩm thổ cẩm từ hai loại khung dệt: khung dệt tấm lớn (Danâng manyim aban) và khung dệt hoa văn khổ nhỏ (Danâng manyim jih dalah). Thích ứng với thị trường, sản phẩm thổ cẩm Chăm sớm hội nhập và xuất khẩu sang các nước trong khu vực và Châu Âu. Tại làng Chăm Mỹ Nghiệp, đã xây dựng được khu sản xuất và khu trưng bày, quảng bá sản phẩm phục vụ khách tham quan, tìm hiểu về kỹ thuật dệt truyền thống của người Chăm. Nghề dệt thổ cẩm gắn liền với người phụ nữ, họ gắn bó với nghề dệt suốt cả cuộc đời. Mặt hàng thổ cẩm Chăm rất được các tộc người ở Tây Nguyên ưa chuộng. Họ xem mặt hàng thổ cẩm Chăm là vật dùng để làm sính lễ trong hôn nhân. Do đó, con đường trao đổi hàng hóa giữa người Chăm với Tây Nguyên, giữa đồng bằng và miền núi được kết nối liên tục trong lịch sử.

2. Nghề làm gốm thủ công

Gốm Bàu Trúc là mặt hàng đặc biệt cung cấp, phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong đời sống của người Chăm, được ưa chuộng trên thị trường, hình thành mạng lưới thương mại trong cả nước. Từ những dòng gốm gia dụng phục vụ đời sống, gốm Bàu Trúc phát triển thêm dòng gốm mỹ nghệ dùng trong kiến trúc và xây dựng.

            Ninh Thuận có tất cả 22 làng Chăm (palei/35 thôn, khu phố), nhưng chỉ có duy nhất làng Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước còn bảo tồn nghề làm gốm. Làng Bàu Trúc tiếng Chăm gọi là Palei Hamu Craok (người Việt phát âm thành Ma Tró). Làng được bao quanh bởi cánh đồng lúa có hệ thống thủy lợi sông Lu và sông Quao chảy qua hình thành lớp địa tầng đất sét tự nhiên. Mặc dù, chưa có nghiên cứu nào nói về việc phát hiện mỏ đất sét được ví như  “vàng đen” đã được khám phá ra như thế nào? Nhưng, trong dân gian tương truyền vị tổ nghề của làng là vợ chồng Po Klaong Can được người dân thờ phụng như vị thần hoàng của làng. Theo ông Quảng Trộm (85 tuổi) ở làng Bàu Trúc cho biết thêm về một giả thuyết nói về nguồn gốc của nghề gốm là do dòng tộc Kut Drai đã truyền dạy cho người dân trong làng bí quyết về kỹ thuật làm gốm. Ngày nay, con cháu của dòng tộc Kut Drai vẫn đang duy trì nghề làm gốm của tổ tiên bằng các phương pháp thủ công truyền thống không sử dụng bàn xoay và không sử dụng kỹ thuật tráng men (Tư liệu điền dã, năm 2018).

            Để làm ra một sản phẩm gốm truyền thống, cần phải tuân thủ theo từng quy trình nhất định. Mỗi công đoạn đều giữ vai trò quan trọng quyết định đến chất lượng sản phẩm. Các quy trình chính để làm ra sản phẩm gốm là khai thác đất sét, xử lý đất sét, tạo hình khối, hoa văn trang trí, phơi gốm để tu chỉnh và nung gốm. Sản phẩm của gốm Bàu Trúc rất đa dạng và phong phú, bao gồm các đồ gia dụng như lu nước, nồi, bình, chậu, ấm, ly, phù điêu tượng thần và gạch dùng trong kiến trúc xây dựng. Từ những đặc điểm chế tác, màu sắc, hoa văn trang trí và các dòng sản phẩm cho thấy gốm Bàu Trúc là sự tiếp nối, kế thừa dòng gốm Sa Huỳnh và gốm Gò Sành của người Champa nổi tiếng trong lịch sử.

Người Chăm làm gốm hoàn toàn bằng thủ công, không có sử dụng bàn xoay và không sử dụng men, sản phẩm được nung ở ngoài trời bằng củi, rơm, trấu.  Từ dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu thường ngày và phục vụ trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, gốm Chăm chuyển đổi phát triển thêm dòng sản phẩm mỹ nghệ. Đến những năm đầu của thế kỉ XXI, gốm Chăm mới thực sự hội nhập và phát triển. Các dòng sản phẩm mỹ nghệ nhận được nhiều đơn đặt hàng để đưa mặt hàng gốm Chăm xuất khẩu ra nước ngoài. Từ đó, đã kích thích thị trường gốm Chăm phát triển, người thợ làm gốm không ngừng sáng tạo ra nhiều mẫu mã, xác lập nhiều kỷ lục mới về dòng sản phẩm gốm Chăm. Nhờ đó, mà gốm Chăm sớm hội nhập vào thị trường khu vực ASEAN và quốc tế.

3. Nghề bốc thuốc nam

 Ở làng Chăm An Nhơn và Phước Nhơn, huyện Ninh Hải có nhiều gia đình sinh kế bằng nghề bốc thuốc nam. Các bài thuốc của người Chăm được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nguồn gốc của bài thuốc chủ yếu được khai thác trong tự nhiên trong các khu rừng, đồi núi ven biển ở Ninh Thuận. Theo kinh niệm bí truyền, rễ cây rừng được chặt mang về sắc nhỏ, phơi khô và pha trộn với nhiều loại thân cây, rễ cây khác nhau tạo thành một hỗn hợp dùng để đun nấu uống chữa bệnh. Điều đặc biệt, các bài thuốc nam của người Chăm được đun trong nồi siêu làm bằng chất liệu gốm do các nghệ nhân làng Bàu Trúc làm ra. Bài thuốc nam của người Chăm đã được nhiều nhà khoa học chọn làm đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực y học. Bài thuốc nam của người Chăm không chỉ phục vụ trong cộng đồng mà còn đi ra thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Mỗi làng nghề thủ công truyền thống của người Chăm thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo, làng nghề vừa sản xuất các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu đời sống hàng ngày, vừa là điểm đến tham quan du lịch thú vị dành cho những du khách ưa thích tìm tòi, khám phá nét đẹp văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam. Quá đó, tạo ra các giá trị kinh tế, nguồn thu nhập hàng ngày từ các hoạt động dịch vụ và du lịch mang lại.

  Bên cạnh việc sản xuất, trao đổi, tiêu thụ tại chỗ, các sản phẩm thủ công có sức hấp dẫn thị trường trong lĩnh vực du lịch. Vì vậy, để bảo tồn làng nghề thủ công truyền thống của các tộc người thiểu số cần gắn liền với định hướng phát triển kinh tế du lịch tại địa phương. Nhằm đảm bảo sinh kế cho các hộ gia đình để họ gắn bó với nghề và sống được từ nghề thủ công truyền thống./.

 Bá Minh Truyền


Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 17
  • Hôm nay: 34
  • Trong tuần: 397
  • Tất cả: 74383

 TRANG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VĂN HÓA CHĂM

Địa chỉ : 28 Đường Tô Hiệu, Phường Tấn Tài, TP. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận. 
Điện thoại : 0259 3822723  - 02593504099       Email : ttncvhc@ninhthuan.gov.vn.
Ghi rõ nguồn ttncvhc.ninhthuan.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Website này.