Người Chăm Ninh Thuận nổi tiếng với các làng nghề: gốm
Bàu Trúc và dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ, nhưng bên cạnh
đó người Chăm đã có nghề thuốc Nam truyền thống rất đáng quý, tồn tại từ lâu đời
và hiện còn truyền giữ đến ngày nay.
Vốn dĩ là cư dân nông nghiệp, cuộc sống gắn bó với
thiên nhiên, người Chăm với những kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình tìm
kiếm thức ăn, có khi ăn phải lá cây có độc gây chết người, có khi gặp phải lá
cây, rễ cây, thân cây như thần dược, từ đó họ biết sử dụng các loại cây dược liệu
trong tự nhiên và đúc kết để bào chế thuốc đặc trị chữa một số loại bệnh. Hiện
nay, với hơn 100 loài cây trong môi trường tự nhiên xung quanh nơi cư trú được
người Chăm sử dụng đã trở thành thảo dược, dược liệu quý hiếm cứu sống con người
khi bị ốm đau, bệnh tật.
Nghề thuốc Nam là vốn tri thức truyền nghiệp, hiện
nay chỉ có 2 làng nghề An Nhơn và Phước Nhơn (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) với
90% hộ gia đình còn làm nghề thuốc Nam, một số làng khác chỉ rải rác có vài hộ.
Với thực trạng trên, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm đã tổ chức khảo sát,
nghiên cứu và thực hiện trưng bày chuyên đề về nghề thuốc Nam, đồng thời đề xuất
với các cấp chính quyền cần có sự quan tâm để bảo tồn và phát huy nghề thuốc Nam
truyền thống của người Chăm Ninh Thuận./.
Thành Thị Hồng Cẩm